Xã hội

Chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018: Được chi phí hiệu quả, minh bạch

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ, trong đó khẳng định: Việc bố trí chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018 được thực hiện đúng quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm và Nghị quyết 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đột phá trong cải cách hành chính

Tại cuộc họp chiều 15/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017; xem xét báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ BHXH và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.

Thực hiện chi trả chế độ BH thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội.

Tại cuộc họp, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Ủy ban cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý giai đoạn 2016-2018.

Đồng thời nhấn mạnh, việc bố trí chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018 được thực hiện đúng quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm và Nghị quyết 1083/2015/ UBTVQH13 ngày 16/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sử dụng chi phí quản lý đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, giúp toàn ngành BHXH chủ động triển khai kịp thời những nhiệm vụ mới theo quy định của Luật BHXH 2014, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong giải quyết và chi trả chế độ BHXH.

Bên cạnh đó, công tác thu, chi các chế độ BHXH, BH thất nghiệp bảo đảm đúng, đủ, kịp thời; đầu tư quỹ đảm bảo an toàn và tăng trưởng. Đặc biệt, công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả đột phá, đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

BHXH Việt Nam đã thăng hạng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ hai trong Bảng xếp hạng chung về dịch vụ công của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đáng chú ý, việc ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH đã mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác thực hiện chế độ, chính sách và quản lý quỹ BHXH, BH thất nghiệp.

Đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và xây dựng hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc... Việc này đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giảm tình trạng trốn đóng, nợ đọng và trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Báo cáo thẩm tra cũng cho thấy, việc xây dựng nhu cầu chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016-2018 chưa dự báo một số chi phí lớn để triển khai một số nhiệm vụ mới phát sinh theo quy định của Luật BHXH như: Bàn giao sổ BHXH cho người lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cấp số định danh và quản lý đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình...

BHXH Việt Nam phải sắp xếp kinh phí trong phạm vi dự toán được giao để bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ. Việc giao dự toán chi phí quản lý theo tỉ lệ phần trăm (%) tính trên dự toán thu, chi BHXH, BH thất nghiệp chưa phải là giải pháp tài chính hữu hiệu xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đọng, lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.

Cụ thể, năm 2016, tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 8.977 tỉ đồng, chiếm 3,3% số phải thu, giảm 1,17% so với năm 2015. Năm 2017, số nợ BHXH phải tính lãi là 5.737 tỉ đồng, bằng 2,9% kế hoạch thu - thấp nhất trong nhiều năm qua. Nếu loại trừ các khoản nợ do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn (khoảng 476 tỉ đồng) thì tỉ lệ nợ so với số phải thu thấp hơn, khoảng 2,67% kế hoạch thu.

Chú trọng phát triển đối tượng tham gia

Về đề xuất chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phương án xây dựng chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2020 đã được xây dựng với nhiều điểm mới tiến bộ, tích cực hơn, với lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm cũng như với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy BHXH tinh gọn, hiệu quả..

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cần tiếp tục quan tâm và dành nguồn lực lớn hơn cho công tác truyền thông gắn với phát triển mở rộng diện bao phủ BHXH theo tinh thần Nghị quyết mới của Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH; bảo đảm chất lượng hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đảm bảo hiệu quả phục vụ người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu, ngành BHXH cần tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, giảm biên chế trong hệ thống.

Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao chất lượng, hiện đại hóa quản lý BHXH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với quỹ BHYT; chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị thiết bị hiện đại để giao dịch, tiếp xúc với người dân được nhanh và hiệu quả nhất.

Tác giả: V.Thu – B.Duy

Nguồn tin: Báo Lao động Thủ đô

  Từ khóa: BHYT , BHXH

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP