Giáo dục

Chi trả trợ cấp thâm niên cho giáo viên nghỉ hưu ở Nghệ An: Cần xét đến sự đóng góp của hàng nghìn nhà giáo

Đó là ý kiến đánh giá của ông Lê Văn Phớt - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nghệ An khi nhắc đến vấn đề quy định chế độ trợ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu. Vì một số vướng mắc nên đến nay hơn 3.000 giáo viên đã nghỉ hưu tại Nghệ An vẫn chưa được hưởng chế độ nói trên.

Nghệ An hiện có hơn 3.000 giáo viên chưa được hưởng trợ cấp thâm niên sau khi nghỉ hưu.

Theo báo cáo của ngành BHXH tỉnh Nghệ An, hiện có 2 nhóm đối tượng là giáo viên nhưng chưa được hưởng phụ cấp thâm niên theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg. Nhóm đối tượng thứ nhất là giáo viên đã được nghỉ việc theo Quyết định số 109/2002/QĐ-UB ngày 4/12/2002 và Quyết định số 86/2007/QĐ-UB ngày 20/7/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định đánh giá, xếp loại giáo viên và chính sách cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (được nghỉ việc hưởng 80% đến 100% lương cơ bản, không được hưởng các khoản phụ cấp ưu đãi và nâng lương, được đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu).

Do vậy, trong tiền lương đóng BHXH của những giáo viên này không có phụ cấp thâm niên nghề. Mặt khác, số giáo viên nói trên khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì đã không còn trực tiếp giảng dạy, vì vậy không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg. Nhóm đối tượng thứ nhất có khoảng 1.600 người. Nhóm đối tượng thứ hai là những giáo viên mầm non trước đây giảng dạy tại các trường công lập, do chủ trương xã hội hóa giáo dục nên các trường này chuyển đổi sang hình thức bán công. Vì vậy, khoảng 1.500 giáo viên thuộc nhóm này nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục bán công nên cũng không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Phớt - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nghệ An cho biết: Đây là vấn đề nan giải gần 6 năm nay của tỉnh Nghệ An. Việc QĐ 52 ra đời có ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho những giáo viên công tác lâu năm và có cống hiến cho ngành giáo dục được hưởng đầy đủ quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, do vướng mắc từ một số văn bản nên từ khi có QĐ 52 nói trên, tỉnh Nghệ An vẫn còn hơn 3.000 giáo viên nghỉ hưu vẫn chưa được hưởng tiền trợ cấp thâm niên. Cũng theo ông Phớt, trong thời gian qua Hội Cựu giáo chức tỉnh Nghệ An liên tục nhận được đơn thư kiến nghị của các giáo chức về vấn đề này.

Đơn cử như thầy Trịnh Mạnh Hùng (71 tuổi), trú khối 13, thị trấn Thanh Chương với hơn 36 năm công tác trong ngành giáo dục chỉ vì 9 năm cuối cùng, thầy Hùng được điều chuyển về làm hiệu trưởng của một trường bán công mà theo quy định tại QĐ 52 thì với đối tượng này cũng không được hưởng trợ cấp thâm niên. “Hơn 36 năm cống hiến cho ngành giáo dục, 9 năm cuối trước khi nghỉ hưu, tôi được điều chuyển về làm hiệu trưởng một trường cấp 3 ngoài công lập chiếu theo QĐ 52 nói trên thì thiệt thòi quá. Việc điều chuyển này do cấp trên, với lại lúc ấy tỉnh Nghệ An do học sinh đông, việc mở thêm trường là tất yếu, nhưng lúc đó tôi là hiệu trưởng hưởng lương theo dạng công chức tức là hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Vậy nên, nói tôi không thuộc diện được hưởng thâm niên thì quá thiệt thòi” - thầy Hùng chia sẻ.

Như đã nói, hiện nay vướng mắc lớn nhất ở Nghệ An trong giải quyết chế độ tập trung chính vào đối tượng giáo viên ở các trường bán công đã về hưu hoặc đối tượng là giáo viên dôi dư nghỉ theo Quyết định 109 và QĐ 86 của UBND tỉnh Nghệ An. Điều này nếu căn cứ theo QĐ 52 là có cơ sở.

Tuy nhiên, xét theo điều kiện thực tế ở Nghệ An lại quá thiệt thòi cho giáo viên. Bởi lẽ, như với giáo viên mầm non, trước đây các trường mầm non ở Nghệ An đều là các trường công lập. Sau đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, số lượng trẻ mầm non có nhu cầu đến trường lớn nên UBND tỉnh có chủ trương xã hội hóa giáo dục chuyển các trường mầm non ở công lập ở thành phố, thị xã và các huyện đồng bằng thành các trường bán công với mô hình về cơ sở vật chất do chính quyền các cấp chịu trách nhiệm tu sửa, nâng cấp.

Về đội ngũ, ngoài hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước, số còn lại giáo viên, nhân viên do UBND các xã, phường và hiệu trưởng ký hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu học phí.

Nói về vấn đề này, ông Phớt cũng chung nhận định: “Thực ra, các QĐ 109 và QĐ 86 nói trên, thời điểm đó là hợp lý. Bởi thực trạng, lúc bấy giờ số lượng giáo viên được đào tạo rất nhiều và có chất lượng. Do đó, tỉnh Nghệ An đã ban hành QĐ109/2002 và QĐ 86/2007 nhằm tinh giản số giáo viên không đạt chuẩn thay thế bằng lực lượng giáo viên chất lượng hơn. Và sau khi có QĐ52/2013 về chi trả trợ cấp thâm niên, số giáo viên này không đủ điều kiện được hưởng chế độ. Hơn 6 năm qua, Hội Cựu giáo chức các xã, huyện cũng như tỉnh đã có nhiều ý kiến lên cấp trên để giải quyết chế độ cho họ”.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Phớt cũng cho biết: Trước những vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, BHXH tỉnh Nghệ An đã có công văn báo cáo BHXH Việt Nam và đề nghị hướng dẫn thực hiện giải quyết vướng mắc khi thực hiện chế độ trợ cấp.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP