Cuộc sống

Chồng tát liên tiếp 23 cái khiến vợ chảy máu miệng trước mặt con và nỗi ám ảnh của những đứa trẻ phải lớn lên trong môi trường bạo lực

Các chuyên gia nhận định, hành vi ứng xử hàng ngày của bố mẹ sẽ là hình mẫu góp phần xây dựng những nét nhân cách tích cực hoặc tạo nên những tính cách tiêu cực ở trẻ em. Trong đó, bạo lực gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc hình thành nhân cách của trẻ.

Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh người chồng dùng tay tát liên tiếp vào mặt vợ 23 cái khiến cô này bị nôn ra máu tại Trung Quốc đã gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói, hành động trên lại diễn ra ngay trước mặt cậu con trai của cặp đôi khiến nhiều người tỏ ra phẫn nộ, lo lắng cho tâm lý của đứa trẻ khi phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình tàn nhẫn như vậy.

Dù đoạn clip trên dù xảy ra tại Trung Quốc nhưng rõ ràng cũng không phải sự việc quá xa lạ tại Việt Nam. Bởi lẽ, đâu đó trên đất nước ta, cảnh bạo lực, xích mích, cãi vã, xô xát giữa những người lớn vẫn vô tư diễn ra trước mặt con trẻ, thậm chí, những đứa trẻ còn vô tình trở thành nạn nhân của những trận xung đột như thế.

Còn nhớ cách đây không lâu, ngay tại Hà Nội, một người đàn ông là võ sư đã ra tay đánh đập vợ dã man, đạp chị này ngã lăn ra đất dù trên tay đang ôm đứa con vài tháng tuổi. Dẫu còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang diễn ra nhưng đứa trẻ đã vô cùng hoảng sợ trước hành động tàn nhẫn trên. Và không ai dám chắc, nếu tình trạng ấy còn tiếp diễn, tâm lý của đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Bạo lực ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển nhân cách của trẻ. Tranh minh họa

Tôi có một cô bạn, hồi nhỏ vốn là một học sinh thông minh, ngoan ngoãn nhưng biến cố đã xảy ra khi bố cô thua bạc, nợ nần chồng chất. Những lần bố trở về nhà trong tình trạng say xỉn rồi đánh đập, mắng nhiếc 3 mẹ con cô với những ngôn từ vô cùng khó nghe là nỗi ám ảnh khiến cô run rẩy, sợ hãi. Dần dần, cô trở nên lầm lì, ít nói hơn.

Khi lớn lên, cô luôn sống khép mình, có ác cảm với hầu hết các bạn nam vì luôn nghĩ rằng, họ cũng giống như bố mình. Đó là lý do đến hiện tại, dù đã gần 30 tuổi nhưng cô không chịu mở lòng đón nhận tình cảm của ai bởi cô sợ, cuộc đời mình sẽ lặp lại những bi kịch như mẹ cô năm xưa.

Đây chỉ là một trong số những câu chuyện thực tế đau lòng của "nhân chứng sống" khi phải trải qua quãng thời gian dài chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình, lớn lên trong nỗi ám ảnh, sợ hãi và đôi khi là sự bất mãn đối với cuộc sống. Và thực tế, còn rất nhiều "nhân chứng nhí" vẫn đang phải âm thầm gánh chịu những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần khi sống trong môi trường đầy rẫy những hành vi bạo lực gây nên.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã từng chia sẻ rằng, gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên của trẻ. Bố mẹ là những người dành thời gian nhiều nhất và có vai trò quan trọng không thể thay thế đối với cuộc đời mỗi đứa trẻ.

Hành vi ứng xử hàng ngày của bố mẹ sẽ là hình mẫu góp phần xây dựng những nét nhân cách tích cực hoặc tạo nên những tính cách tiêu cực ở các em. Trong đó, bạo lực gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc hình thành nhân cách của trẻ. Hay nói cách khác, bạo lực ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của những đứa trẻ.

Thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bé trai lớn lên trong những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực sẽ có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, từ học tập, gia đình đến công việc về sau, đặc biệt là sẽ lặp lại hành vi bạo lực với người yêu và vợ của mình.

Còn với bé gái sống trong môi trường bạo lực, lớn lên sẽ trở nên nhút nhát, mất tự tin và luôn lo sợ về cuộc đời sau này, thậm chí mất niềm tin vào cuộc sống.

Môi trường bạo lực được coi là liều "thuốc độc" gặm nhấm tương lai của trẻ. Do đó, nếu muốn con cái được lớn lên trong môi trường lành mạnh, được phát triển nhân cách một cách tích cực, những người làm cha làm mẹ nên có những cách hành xử và giải quyết vấn đề một cách văn minh mà trước tiên là nên kiềm chế cảm xúc tiêu cực của mình và chấm dứt hành vi xung đột, bạo lực trước mặt con trẻ trong gia đình.

Tác giả: Mai Thùy

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP