Theo báo cáo của BCH PCTT- TKCN tỉnh với Chủ tịch UBND tỉnh, từ ngày 13/7- 18/7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, tổng lượng mưa trên địa bàn Nghệ An phổ biến ở mức từ 250 - 500 mm. Mực nước tại một số trạm thủy văn đã ở mức báo động 1, hàng trăm hồ đập đã chứa đầy nước, thiệt hại xảy ra ở nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực KT-XH.
Nghệ An đã thực hiện cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi từ 22h ngày 17/7. Tính đến 5h30 ngày 18/7 có 3.767 phương tiện đã neo đậu tại bến, 101 phương tiện neo đậu tại địa bàn khác; hiện các huyện ven biển và một số huyện miền núi đang triển khai kế hoạch di dời dân, dự kiến di dời 3.680 hộ/15.912 người, chủ yếu di dời tại chỗ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phú Hương |
Theo dự báo của Trung tâm KTTV TU, chiều tối 18/7, vùng tâm bão số 3 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh.
Để kịp thời ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên BCĐ căn cứ nhiệm vụ được phân công, xuống cơ sở trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Các cấp ngành và địa phương cần khẩn trương, bằng mọi biện pháp thông báo và hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn tại nơi tránh trú; Triển khai phương án di dời dân ở vùng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, các khu nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất… hoàn thành sơ tán tại các khu vực nguy hiểm trước 17h ngày 18/7.
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra khu chung cư D2 Quang Trung. Ảnh: Quang An |
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, sẵn sàng vận hành các công trình tiêu úng, trục tiêu, kênh tiêu… để tiêu úng kịp thời. Đặc biệt, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết, huy động phương tiện và lực lượng trực gác để hướng dẫn, phân luồng giao thông; chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản...
Khu nhà D2 Quang Trung đang xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mùa mưa bão. Ảnh: Quang An |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Cơn bão đổ bộ Nghệ An vào buổi tối, trong khi tỉnh ta là tâm bão với cường độ mưa và gió khá mạnh, vì vậy, các ngành và địa phương phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của BCH PCLB tỉnh.
Yêu cầu ngành Điện lực đảm bảo an toàn và cấp điện; các địa phương có giải pháp bảo vệ cây xanh, nhất là địa bàn TP. Vinh; các trường học và bệnh viện có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, bệnh nhân. Làm tốt công tác tuyên truyền, không để người dân chủ quan, mất cảnh giác, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Các cơ quan thường trực cứu hộ cứu nạn như BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng sẵn sàng phương tiện, lực lượng để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường kiểm tra trạm bơm tiêu úng Cầu Trị, phường Bến Thủy. Ảnh: Quang An |
Sau cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 3 tại TP. Vinh và huyện Hưng Nguyên.
Đồng chí đã đến kiểm tra tình hình sinh hoạt của nhân dân nhà chung cư D2 Quang Trung, TP. Vinh - nơi sinh sống của 60 hộ dân là cán bộ, công nhân viên của ngành Đường sắt. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo TP. Vinh trước mắt có phương án di dời khẩn cấp cho các hộ dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Cùng với đó sớm tiếp nhận khu chung cư này của ngành Đường sắt để trình UBND tỉnh có phương án xây dựng lại trong thời gian sớm nhất.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình ngập lụt tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang An |
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Xuân Đường cũng kiểm tra tình hình vận hành trạm bơm tiêu úng Cầu Trị và trạm tiêu úng Bara Bến Thủy (Phường Bến Thủy - TP. Vinh). Đồng chí yêu cầu cán bộ công nhân viên túc trực 24/24h để chủ động tiêu thoát nước kịp thời, chống ngập úng hiệu quả cho vùng Hưng Nguyên, TP. Vinh và các địa bàn liên quan đến các trục tiêu. Yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam khẩn trương lắp đặt các trạm bơm dã chiến để tiêu úng cho khu vực chợ Vinh và TP. Vinh.
Tại huyện Hưng Nguyên, hiện nay các đầu mối và trục tiêu chính đang vận hành tiêu úng hiệu quả. Tuy nhiên, các tuyến kênh tiêu nội đồng vẫn còn ách tắc nên hiện có khoảng 3.000/5.000ha lúa hè thu đang bị ngập lụt, một số tuyến đường bị chia cắt.
Tại đây, đồng chí Nguyễn Xuân Đường yêu cầu huyện cần tập trung khơi thông các kênh tiêu nội đồng đảm bảo thoát nước kịp thời, có phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập lụt./.
Tác giả: Phú Hương - Quang An
Nguồn tin: Báo Nghệ An