Người dân đeo khẩu trang tại sân bay Malpensa gần TP. Milan, Ý - Ảnh: REUTERS |
Tính tới 20h40 ngày 11-3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã có hơn 120.000 ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 4.375 ca đã tử vong. Lục địa già (châu Âu) đóng góp 10 trên 15 nước có số ca nhiễm cao nhất.
Câu chuyện châu Âu chống dịch vì vậy cũng thu hút sự chú ý lớn đối với dư luận Việt Nam. Đáng chú ý, xuất hiện một số thông tin nói rằng người châu Âu hoặc phương Tây nói chung khá "thờ ơ" với virus corona.
Cụ thể trong tuần này, một bài viết được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội khẳng định chính quyền một số nước châu Âu chủ động cho dịch lây lan trên diện rộng, nhằm tạo ra miễn dịch cộng đồng nhanh nhất và tỉ lệ tử vong thấp nhất.
"Sau khi qua giai đoạn phòng chống dịch xâm nhập vào, các nước điển hình như Đức và Anh hiện nay đang chủ động cho lây lan diện rộng. Việc này sẽ cho phép tạo ra miễn dịch cộng đồng nhanh nhất và tỉ lệ tử vong thấp nhất" - trích bài viết được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về chủ đề gây tranh cãi này, Tuổi Trẻ Online tổng hợp và đưa ra thông tin tham khảo, bao gồm cách thức xử lý của các nước châu Âu với dịch COVID-19.
- Anh và Đức chủ động để dịch lây lan diện rộng?
Trả lời: Sai
Ít nhất trong các văn bản và thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng ở Anh và phát ngôn mới nhất của Thủ tướng Đức Angela Merkel, các nước châu Âu như Anh và Đức không nói về việc chủ động để dịch lây lan trên diện rộng. Ngược lại, ưu tiên hàng đầu của họ là kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.
Lấy ví dụ, Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) là cơ quan y tế được xem là nguồn tham khảo thông tin chính thống về dịch COVID-19 ở nước này. Cập nhật mới nhất về thông tin xung quanh dịch COVID-19 trên website NHS đề ngày 10-3, trong đó có dẫn "Kế hoạch hành động" của chính phủ về kiểm soát COVID-19.
Trong mục "Nguyên tắc kế hoạch", Chính phủ Anh ghi rõ một số điểm sau đây, trong đó chứng minh họ không có kế hoạch chủ động cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Cụ thể:
"Để chuẩn bị cho (và đối phó với) một đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng, Chính phủ Anh và cơ quan chức năng được ủy quyền muốn:
Thực hiện các đánh giá rủi ro về tác động tiềm tàng đối với y tế và các khía cạnh khác, sử dụng khuyến cáo khoa học và bằng chứng tốt nhất hiện nay đang có để đưa ra quyết định.
Giảm thiểu tác động y tế tiềm tàng bằng việc làm chậm sự lây lan ở Anh và nước ngoài, và giảm việc nhiễm bệnh, bệnh và tử vong…".
Tiếp theo, cũng trong mục "Nguyên tắc kế hoạch", Chính phủ Anh viết: "Mục tiêu cơ bản là triển khai các hành động theo từng giai đoạn nhằm kiểm soát, trì hoãn và giảm thiểu bất kỳ sự bùng phát nào, sử dụng nghiên cứu để thông báo về diễn biến của chính sách".
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn kêu gọi cấm các sự kiện có sự tập trung trên 1.000 người nhằm ngăn virus corona lây lan - Ảnh chụp màn hình |
Chính phủ Anh đề ra kế hoạch ba giai đoạn gồm kiểm soát, trì hoãn và giảm thiểu, trong đó cụ thể hơn về phản ứng thì có 4 giai đoạn tổng cộng: kiểm soát, trì hoãn, nghiên cứu và giảm thiểu.
Trong khi đó tại Đức, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin ngày 11-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel dẫn lời các chuyên gia cho rằng hầu hết người dân sẽ nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), và vì hiện nay không có cách chữa trị cụ thể, mục tiêu của Đức là làm chậm sự lây lan.
"Khi virus (corona) đang hiện hữu, người dân không có miễn dịch và cũng không có liệu pháp điều trị lúc này, vì vậy 60 tới 70% dân số sẽ bị nhiễm. Hiện nay quá trình ngăn chặn phải tập trung vào việc không làm quá tải hệ thống y tế thông qua việc làm chậm sự lây lan của virus", Hãng tin Reuters dẫn lời bà Merkel.
Ngoài bà Merkel, các quan chức cũng không nhắc về chuyện chủ động để dịch lây lan diện rộng. Báo The Local phiên bản Đức ngày 27-2 đưa tin về việc chính quyền tại miền tây nước này đưa ra những hành động nhằm ngăn virus corona lây lan.
Ngày 8-3, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng khẳng định Đức nên hủy các sự kiện tụ tập trên 1.000 người để làm chậm sự lây lan của virus corona.
- Châu Âu không đóng cửa biên giới, trường học, các sự kiện tụ tập đông người?
Trả lời: Đúng, nhưng có thể thay đổi
Châu Âu lúc này ưu tiên giải quyết tình hình và không để người dân hoảng loạn. Nhưng không có chuyện đây là một chính sách bất di bất dịch.
Quan chức ở Anh và Đức vừa qua có nhắc tới chuyện đây chưa phải lúc để hủy sự kiện thể thao hay đóng cửa trường học, biên giới. Tuy nhiên họ đều lưu ý các thông báo này sẽ có khả năng thay đổi tùy theo tình hình.
Ví dụ vào ngày 9-3, báo chí Anh cho biết đã có một cuộc họp của Bộ trưởng Thể thao Anh Oliver Dowden với các cơ quan quản lý thể thao và nhà đài ở nước này. Cuộc họp đi đến kết luận rằng chưa có cơ sở y tế để hủy các trận đấu ở Anh, song chính phủ sẽ liên tục cập nhật diễn biến và thông báo cho người đại diện các môn thể thao và nhà đài.
Sau cuộc họp, giám đốc điều hành giải Rugby ở Anh Bill Sweeney nói: "Hiện không có cơ sở y tế cho việc hủy các sự kiện hay cho chơi trong các sân không khán giả, nhưng rõ ràng đây là một tình huống còn nhiều diễn biến nên chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi và hành động".
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Deutschlandfunk ngày 11-3, Bộ trưởng Y tế Đức Spahn khẳng định việc đóng cửa biên giới sẽ không giúp ích cho cuộc chiến chống virus. Tuy nhiên ông cũng tiếp tục nhắc lại cách tiếp cận hiện nay ở Đức là làm chậm sự lây lan.
Các hoạt động ở Anh và Đức vẫn diễn ra bình thường? Trả lời: Đúng Các trận bóng đá Champions League (giải vô địch cấp câu lạc bộ châu Âu) tuần này vẫn diễn ra bình thường. Ngoại trừ giải Ý đá sân không khán giả, các nước như Anh và Đức vẫn cho khán giả tụ tập, đến sân xem bóng đá. Trong thông báo của NHS, cơ quan y tế Anh cũng nói rằng "đa phần mọi người đều có thể tiếp tục đến nơi làm việc, trường học và các địa điểm công cộng khác", và mọi người "chỉ phải lánh nơi công cộng (tự cách ly) nếu có khuyến cáo từ dịch vụ virus corona trực tuyến hoặc chuyên gia y tế". |
Tác giả: NHẬT ĐĂNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ