Giáo dục

Có phù hợp không việc đưa ‘rượu’ vào đề Văn thi lớp 10 chuyên ở Hà Tĩnh?

Một số người cho rằng việc đưa rượu vào đề Văn mà yêu cầu những học sinh mới 15 tuổi phân tích là xa thực tế, chưa phù hợp. Vài ý kiến khác lại nhận định đề thi hay vì mục đích cuối cùng vẫn là hướng học sinh đến với những giá trị tốt đẹp nhân văn.

Trong đợt thi tuyển vào lớp 10 vừa qua tại Hà Tĩnh, đề thi môn Ngữ văn lớp 10 chuyên năm học 2024 – 2025 có 2 câu. Trong đó đáng chú ý là ở câu 2 phần nghị luận văn học, đề thi dẫn ngữ liệu 4 câu thơ được trích trong bài “Nghĩ về thơ” của nhà thơ Vương Trọng (Báo Gia Lai):

“Là rượu, không phải cơm, ai đó nói về thơ

Muốn là rượu phải có gạo, ngô…. và men cây, men lá

Không có rượu cất lên từ nước lã

Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ”.

Từ ngữ liệu trích dẫn, đề thi yêu cầu bằng hiểu biết và trải nghiệm về thơ, học sinh hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên."

Sau khi đề thi được đăng tải lên mạng xã hội đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi hay, mục đích cuối cùng là hướng học sinh đến với những giá trị tốt đẹp nhân văn.

Tuy nhiên vài ý kiến khác lại cho rằng việc đưa chủ đề ‘rượu’ vào đề thi và yêu cầu những học sinh mới vừa mới tốt nghiệp THCS phân tích là xa thực tiễn, không phù hợp.

Có thể thấy rằng, mỗi ý kiến đều có những lý lẽ riêng và mục đích cuối cùng đều mang tính xây dựng, hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất cho học sinh – những thế hệ tương lai của đất nước.

Từ xưa đến nay, chúng ta thấy hình ảnh ‘thơ’ và ‘rượu’ luôn song hành cùng nhau trong các tác phẩm văn học. Nhiều thi nhân xưa thường mượn chút men rượu để tức cảnh sinh thơ, mượn rượu để giải sầu, hay dùng rượu như một thứ “tín vật” giúp gắn kết bằng hữu.... Ví như đại thi hào Nguyễn Du cũng từng viết trong Truyện Kiều: “Khi chén rượu, khi cuộc cờ - Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”.

Nhà thơ Hồ Xuân Hương cũng có đôi lần vin vào rượu để bày tỏ nỗi lòng của mình: “Trơ cái hồng nhan mấy nước non - Chén rượu hương đưa say lại tỉnh - Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”...

Nhà văn Nam Cao, Tô Hoài cũng từng mượn hình ảnh rượu để miêu tả nhân vật của mình, từ đó góp phần tô đậm lên tính cách, nói lên khát khao được sống, được hoàn lương, được hạnh phúc của một lớp người trong xã hội cũ.

Rõ ràng có thể thấy, hình ảnh ‘rượu’ đã xuất hiện rất nhiều lần không chỉ trong văn học Việt Nam mà còn cả văn học của các nước. Và dù xuất hiện trong hoàn cảnh nào, mục đích cuối cùng mà các tác giả muốn hướng đến đều là những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống.

Như một độc giả nhận định: “... Hình ảnh “rượu”, “men cây”, “men lá”, nước lã” không phải là những hình ảnh xấu xa, thấp hèn,… để gieo rắc cho các em những điều xấu xa, tồi tệ mà đó là những hình ảnh đưa vào để tạo nên sự liên tưởng, ví von, khi dụng ý để làm nổi bật đặc trưng cơ bản của thơ để giúp thí sinh bàn luận. Mục đích cuối cùng vẫn là hướng các em đến với những giá trị tốt đẹp nhân văn”.

Đề Ngữ văn lớp 10 chuyên của tỉnh Hà Tĩnh.


Tuy nhiên, khi đặt mình vào vị trí của một phụ huynh học sinh, có lẽ không ít người mẹ, người bố sẽ cảm thấy lo lắng và đặt câu hỏi: “Liệu con em mình có tò mò về rượu sau khi đọc xong đề thi này?”.

Tác hại của rượu bia nói chung đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng ta, nhưng đối với trẻ vị thành niên, tác hại ấy còn nặng nề hơn rất nhiều. Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống rượu, bia gây ra các hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên như say rượu dẫn đến ngộ độc rượu, có hành vi bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn, chấn thương khi điều khiển phương tiện giao thông, ... Còn về lâu dài thì uống rượu, bia sẽ gây lệ thuộc, mắc các bệnh mạn tính và gây ảnh hưởng đến cả phát triển thể chất và tinh thần khi trưởng thành. Vì vậy, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 đã cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu.

Đối với những học sinh vừa tốt nghiệp THCS, chỉ mới 15 tuổi, đây là giai đoạn dậy thì, những thay đổi tâm lý sẽ khiến các bạn tò mò về mọi thứ xung quanh và muốn thử làm những điều chưa từng làm. Và việc tò mò về rượu và thứ uống rượu là điều khó tránh khỏi.

Ngữ liệu trong đề thi nói về sự tương đồng giữa rượu và thơ, mượn rượu để nói thơ. Trước hết để hiểu về thơ thì cũng cần hiểu rõ về rượu như câu thơ: "Muốn là rượu phải có gạo, ngô... và men cây, men lá".

Tất nhiên, để đánh giá thế nào là một loại rượu ngon, về quy trình nấu nên giọt rượu cay chắc chắc cần những người có kinh nghiệm thử qua và ‘sành’ về các loại rượu. Vậy với những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa từng nếm qua mùi vị của rượu, không nên và cũng không được phép thử, liệu có quá ‘mạo hiểm’ khi yêu cầu bàn luận về vấn đề này hay không? Liệu có thực sự phù hợp hay không?

Đúng như tác giả Vương Trọng nói "Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ", chẳng ai có thể phân tích, đào sâu một vấn đề khi chưa hiểu rõ về nó? Có lẽ cũng vì điều này mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng cho rằng đề thi xa rời thực tiễn cuộc sống, chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi vừa chớm ngưỡng cửa lớp 10.

Tác giả: Bùi Lan

Nguồn tin: Báo PLVN

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP