Cháu tôi đã bỏ một chương trình trại hè ở nước ngoài đã đăng ký từ 6 tháng trước chỉ vì không thi đỗ vào ngôi trường yêu thích. Bố mẹ cháu buồn rầu hủy cả chuyến đi du lịch của cả gia đình. Không khí buồn chán, nặng nề bao trùm khắp gia đình. Đến bữa cơm, chẳng ai buồn nói với ai câu nào. Đứa cháu tội nghiệp và vội miếng cơm rồi chui ngay vào phòng. Cháu không muốn đi đâu nữa, lý do duy nhất là cháu sợ mọi người hỏi thăm chuyện thi cử thế nào…
Nhiều em đã phải chia tay với ước mơ học THPT ở trường công lập (ảnh minh họa) |
Lần lượt các địa phương công bố điểm thi vào lớp 10. Đã có không ít giọt nước mắt của cả phụ huynh và học sinh rơi trong ngày biết kết quả thi.
Tôi lại thấy tiếc về các kỳ thi mình đã trải qua, không quá căng thẳng, áp lực; việc ôn thi cũng không phải quá đánh đố học sinh; sách vở của các anh chị năm trước năm sau chúng tôi vẫn xin lại để học. Ngày trước, thi chuyển cấp là chuyện rất đỗi giản đơn, chỉ hơi khác ngày đi học bình thường một chút là phải đến điểm thi sớm hơn… Nhìn lại chặng đường học hành của mình đã qua, nhiều cha mẹ học sinh hôm nay phải thốt lên rằng, sao cái sự học, thi bây giờ nó khắc nghiệt đến vậy.
Giáo dục vì sao càng đổi mới càng trở nên nặng nề, áp lực? Rõ ràng, những kiến thức quá hàn lâm xưa kia không còn cần thiết nữa thì loại bỏ và chỉ cần bổ sung những kiến thức mới, những kỹ năng mềm… Đó là cái tài tình, trí tuệ của những người làm cải cách giáo dục. Nhưng vì sao càng cải cách lại càng rối rắm, bấn loạn? Năm nào phụ huynh, học sinh cũng phải nín thở chờ thông tin đổi mới thi cử.
Chúng ta thật sự chua xót khi nhận thấy một thực tế rằng, đứa trẻ từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ đã phải đối đầu với những vòng xoáy chạy chọt, ganh đua. Đầu tiên là việc xếp hàng đi khám thai, chọn bác sĩ. Khi cất tiếng khóc chào đời, bố mẹ các bé cũng lại phải lo để được “nhẹ tay”, đứa con bé bỏng của mình được các y bác sĩ quan tâm chu đáo hơn. Vào mẫu giáo – chạy lớp có cô tốt; vào lớp 1 – chạy trường tốt; hết cấp 1, lại lo chạy vào trung học cơ sở (đã có những chuyện dở khóc dở cười khi bố mẹ phải chầu trực hàng đêm để mua hồ sơ cho con); Các con được “thả” một, hai năm đầu cấp để chuẩn bị cho một đợt ganh đua mới – thi vào trung học phổ thông.
Trong một làn sóng lo lắng học hành, thi cử đè nặng lên vai con trẻ, nhiều cha mẹ tuyên bố để con được thoải mái đầu óc, không ép học hành. Nói ra thì như vậy nhưng thực sự trong lòng lại bộn bề lo lắng. Giữa một rừng học sinh “cày cuốc” ngày đêm mà con mình không ôn luyện gì thì sao “đấu” nổi?
15 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều em đã phải chịu cú sốc đầu tiên khi không thể cùng các bạn đồng hành vào ngôi trường mình yêu thích, day dứt khi làm cha mẹ, người thân thất vọng và có phần xấu hổ khi không làm được việc mọi người trông mong…
Nhiều cha mẹ không giữ được bình tĩnh đã đánh đập, giày vò con mình; người bình tĩnh hơn, thương con hơn thì chỉ biết nhìn con buồn bã; người không kìm nén được cảm xúc thì oà khóc như những đứa trẻ… Bởi, gánh nặng kinh tế không cho phép họ có lựa chọn khác cho con mình!
Nếu thi cử cứ theo cách hiện nay, các chính sách xã hội và giáo dục nếu không đồng bộ thì phụ huynh và học sinh vẫn sẽ tiếp tục phải quay cuồng với những kỳ thi, điểm số… Bởi hàng chục nghìn học sinh không đủ điều kiện vào lớp 10 đồng nghĩa với việc từng đó gia đình đang loay hoay hoặc vật lộn, chạy đôn chạy đáo tìm phương cách giải quyết để con có nơi chốn học hành nốt 3 năm trung học phổ thông.
Điểm số không phải là tất cả, điểm số không đánh giá đủ năng lực của các con, nhưng điểm số lại có vai trò quyết định trong mỗi kỳ thi có tính chất bước ngoặt cuộc đời của các con. Thế nhưng, không thi đỗ vào ngôi trường các con đã chọn không có nghĩa mọi cánh cửa đã đóng lại, mọi giấc mơ đều sụp đổ… Còn rất nhiều cơ hội và lựa chọn khác. Điều quan trọng là cha mẹ, người thân sẽ làm gì giúp các con vượt qua thời điểm khó khăn này. Đừng buông tay, đừng bỏ lỡ!/.
Tác giả: An Nhi
Nguồn tin: Báo Điện tử VOV