Cứ 12.000 đảng viên được 1 đại biểu
Thông tin về số lượng đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào tháng 1 này có tổng số 1.590 đại biểu tham dự, trong đó có 194 đại biểu đương nhiên, 1.381 đại biểu được bầu và 15 đại biểu được chỉ định.
Còn tại Đại hội X có tổng số 1.178 đại biểu, sang Đại hội XI là 1.377, tăng 199 đại biểu; còn Đại hội XII là 1.510, tăng 133 đại biểu. Với sự tham dự của 1.590 đại biểu, Đại hội XIII lần này sẽ tăng 80 đại biểu so với Đại hội trước.
Theo ông Hà, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc căn cứ theo quy định của Điều lệ Đảng và có tính đến địa điểm tổ chức Đại hội. Theo đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương, có 67 đảng bộ, và mỗi đảng bộ được phân bổ 13 đại biểu. Theo số lượng đảng viên của từng đảng bộ, cứ 12.000 đảng viên được 1 đại biểu. Nếu còn dư 6.001 trở lên thì được thêm 1 đại biểu nữa.
Cũng theo ông Hà, tại Đại hội XI, cứ 10.000 đảng viên được 1 đại biểu; còn Đại hội XII, cứ 11.000 đảng viên được 1 đại biểu và Đại hội XIII là 12.000 đảng viên.
Có tổng số 1.590 đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng, nhiều hơn 80 đại biểu so với Đại hội XII. |
Tuy nhiên, theo vị trí quan trọng của một số đảng bộ, xác định 6 đảng bộ có vị trí quan trọng là: Quân đội thêm 8 đại biểu, Công an thêm 8 đại biểu, Hà Nội thêm 10, TP HCM thêm 5, Khối các cơ quan TW thêm 39 và Khối doanh nghiệp TW thêm 8.
Về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu, quy định rõ định hướng tiêu chuẩn đại biểu dự Đại hội về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu. Theo ông Hà, đây là nội dung mới so với Đại hội XII của Đảng.
Còn định hướng cơ cấu đại biểu, Trung ương định hướng về cán bộ lãnh đạo, quản lý; đại biểu nữ, trẻ, dân tộc; đối với các đoàn đại biểu tỉnh, thành phố có khoảng 25% số đại biểu công tác ở cấp huyện và cơ sở. Về việc này, Trung ương giao cho Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu đối với từng đảng bộ.
Hơn 1.400 trang ý kiến đóng góp
Về công tác chuẩn bị Đại hội, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.
Trong đó, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban Kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng Tiểu ban; còn Tiểu ban Tổ chức và phục vụ Đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng Tiểu ban.
Đến Hội nghị Trung ương 10 diễn ra vào tháng 5/2019, cho ý kiến vào dự thảo đề cương các văn kiện; sang Hội nghị Trung ương 11, tháng 10/2019, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Sau Hội nghị Trung ương 11, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện, gửi đảng bộ cấp cơ sở vào tháng 2/2020 và gửi đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương vào tháng 4/2020 để góp ý kiến theo kế hoạch.
Tháng 10/2020, Hội nghị Trung ương 13 đã tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện. Sau Hội nghị này, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Trung ương để hoàn thiện thêm một bước dự thảo và gửi xin ý kiến Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 20/10/2020 để xin ý kiến rộng rãi toàn dân.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết, các cơ quan chức năng đã tập hợp, phân loại các ý kiến đóng góp từ hơn 1.400 trang và xây dựng báo cáo tổng hợp chung với gần 200 trang. Hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, với nhân dân, đất nước.
“Phần lớn các ý kiến cho rằng, dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, có sự đổi mới, đảm bảo chất lượng; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân…”, ông Thông nhấn mạnh.
Tác giả: LUÂN DŨNG
Nguồn tin: Báo Tiền Phong