Các nền tảng mạng xã hội được mở ra đã khiến việc bày tỏ ý kiến, quan điểm của người dùng internet về những vấn đề cuộc sống trở nên dễ dàng và tự do hơn. Thậm chí, có người còn dùng mạng xã hội như một công cụ "đòi lại công lý" cho mình, chỉ việc "bóc phốt", "kể tội" đối phương, nỗi ấm ức của bản thân. Trong nhiều trường hợp, dân mạng còn sử dụng sức mạnh cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân theo nhiều cách.
Nhưng không phải cú "bóc phốt" nào cũng đúng, người kêu khóc cũng là người bị chèn ép. Như chị gái sử dụng tài khoản Ph.H., đang sống ở Sài Gòn chẳng hạn. Sau 2 clip đăng tải chuyện "công an làm phiền dân" lên TikTok, chị này chẳng những không được bênh vực mà còn nhận về trái đắng.
Anh công an ghi điểm tuyệt đối. |
Chuyện là, nhận được tin báo từ hàng xóm rằng nhà chị Ph.H. hay có một người đàn ông lạ lai vãng, anh công an khu vực cùng các các bộ liên ngành đến nhắc nhở, tuyên truyền về Chỉ thị 16.
Cuộc đối thoại diễn ra, dù giọng chị Ph.H. khá gắt gỏng vì bị hàng xóm "méc", anh công an vẫn ôn tồn giảng giải.
- Nhà anh đó ở đâu, em qua bên đó hỏi luôn.
- Trời đất ơi, đây là nhà người ta, anh nói sao kỳ vậy?
- Chị có chắc chắn là nhà không, vì anh đó là không có trong hộ khẩu đúng không? Không có tạm trú ở đúng không?
- Đúng rồi.
- Chị nói nhà anh đó ở phường 5 đúng không? Vậy chị với anh đó quan hệ ra sao, chị có chứng minh được không?
Đến đây, người phụ nữ tỏ ra bối rối, nói quanh co: "Được chứ sao không? Mỗi lần anh tôi đi làm, tôi cũng đi làm, công việc buổi sáng cần thì anh tới nói chuyện, trao đổi công việc rồi đi làm".
Bỏ qua sự mập mờ trong việc giải thích mối quan hệ giữa chị Ph.H. và "người anh", cảnh sát khu vực dặn dò:
- Theo chỉ thị 16, anh phải có giấy tờ đi làm và chỉ đến cơ quan; nếu đi chợ thì phải có giấy đi chợ. Bây giờ dịch đang rất là lớn, chị hiểu không?
- Người nhà tôi đi ra đi vô, nhà anh không ai nấu cơm cho hết, anh tôi không biết nấu cơm nên phải qua nhà em ăn thôi, có ảnh hưởng gì đâu.
- Chị cung cấp địa chỉ của anh bên đó đi, em xác minh.
- Anh không có được quyền như vậy. Giờ tôi không cung cấp đó. Người ta có giấy tờ người ta mới được ra đường. Anh không có quyền gì kiểm tra người ta hết.
Thậm chí, chị này còn viết lời chia sẻ video kèm icon khóc lóc, bày tỏ thái độ không vừa ý.
Dân mạng đổ xô bênh vực anh công an. (Ảnh chụp màn hình) |
Về phía mình, chị Ph.H. vẫn nói giọng rất quạu với anh công an và lực lượng chức năng đi cùng: "Đừng có làm phiền người khác", "Anh có quyền gì mà vô nhà tôi kiểm tra? Làm quá à. Chỉ thị 16 hay 12 gì cũng vậy hết, nhà người ta thì người ta cứ vô thôi"...
Mà không chỉ 1, chị này đăng tải tận 2 clip, và clip thứ hai với tựa đề "vui vui" còn cho thấy sự hí hửng vì... cãi thắng công an. Trước khi ra về, anh công an nói rõ: "Chị cứ ghi hình lại đi, rằng em đã nhắc nhở chị rằng anh đó nhà ở bên phường 5 thì anh nên ở nhà, không qua bên đây nữa. Bây giờ đang phòng chống dịch, nếu như qua đây, anh phải có giấy tờ ra đường trong trường hợp cần thiết, còn nếu không, em vẫn xử lý anh đó được".
Tuy nhiên, người trong thiên hạ chẳng hề bênh chị Ph.H. một lời, mà nhất trí cao ủng hộ anh công an.
- Anh công an này làm đúng và rất nhẹ nhàng - Thực ra ai trong cuộc mới hiểu được chị này, nhỡ không phải anh trai ruột mà anh trai nào đó, kêu khai thông tin ông kia làm sao khai được. - Ủa trong bình luận chị giải thích người anh ghé vào lấy giấy tờ để đi làm việc thôi, công ty thuê nhà; nhưng lúc cự cãi chị lại nói đó là nhà của anh ấy? Trong khi hộ khẩu, tạm trú không có? Nhà ở phường 5 qua tuốt phường 13 nấu cơm ăn? Mâu thuẫn vậy! - Có giấy đi làm thì chỉ đi từ nhà đến chỗ làm rồi về nhà, chứ không đi từ nhà này sang nhà khác đâu chị, chị sai rồi! Ca này không ai bênh nha! |
Tác giả: Bích Chi
Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc