Trong nước

Đang xử lý 127 tổ chức, 200 cá nhân sai phạm về tài chính, ngân sách

Nhiều tổ chức, cá nhân bị xử lý trách nhiệm do có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2020 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Sáng 12/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.

Đại diện Chính phủ báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu NSNN 1.358.084 tỷ đồng; quyết toán 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán.

Trong đó, quyết toán thu nội địa đạt 1.313.281 tỷ đồng, tăng 179.781 tỷ đồng và thu dầu thô 44.638 tỷ đồng, tăng 21.438 tỷ đồng (92,4%) so với dự toán, chủ yếu do giá dầu thô tăng cao.

Dự toán chi là 1.701.713 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương, chưa bao gồm dự toán chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021; quyết toán 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán.


Năm 2021, NSNN đã chi 97.903 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội.

Về chi đầu tư phát triển, dự toán 479.568 tỷ đồng; quyết toán 540.046 tỷ đồng, tăng 60.478 tỷ đồng (12,6%) so với dự toán. Chi trả nợ lãi dự toán 110.065 tỷ đồng; quyết toán 101.778 tỷ đồng, giảm 8.287 tỷ đồng (7,5%) so với dự toán.

Dự toán bội chi NSNN Quốc hội quyết định là 343.670 tỷ đồng, bằng 4% GDP. Quyết toán số bội chi NSNN là 214.105 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện, giảm 129.565 tỷ đồng (37,7%) so với dự toán

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tổng hợp số liệu chuyển nguồn kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của 17 địa phương có nhu cầu vào báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 với tổng số tiền là 2.937,193 tỷ đồng.

Về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2020 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (tính đến ngày 31/3/2023) tổng số tổ chức bị đề nghị xử lý 1.444, trong đó: Đã xử lý theo kết luận 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; Đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; Chưa xử lý 22 tổ chức, chiếm 1,52%.

Đối với cá nhân: Tổng số đề nghị xử lý 2.735, trong đó: Đã xử lý 2.519 người, chiếm 92,1%; Đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; Chưa xử lý 16 người, chiếm 0,59%.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Làm rõ số liệu chi chuyển nguồn

Báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 22.492,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện 33.284,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80,08 %.

Có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.

Đáng lưu ý, có 57/95 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán thực hiện kiến nghị xử lý tăng thu giảm chi NSNN với niên độ ngân sách 2021 là 34.595 tỷ đồng.

Chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, làm rõ số liệu chi chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID - 19; Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, chậm hoàn thành việc Thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc.


Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP