Tin trong tỉnh

Đánh bài ngửa lợi ích kinh tế thủy điện với sinh kế hàng nghìn người dân

Tại Nghệ An, mức đóng góp ngân sách cho ngân sách nhà nước của các thủy điện chỉ phần nhỏ so với thiệt hại do xả lũ gây ra.

Trên địa bàn Nghệ An, các dự án thủy điện được quy hoạch xây dựng theo hình bậc thang tại các vùng thượng lưu của sông Cả, sông Hiếu… Trung bình một năm, các thủy điện đóng góp ngân sách chỉ hơn 500 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tính riêng đợt lũ từ trong 03 ngày từ 28-31/8/2018 làm thiệt hại hơn 140 tỷ đồng.

Sau đợt lũ này, UBND tỉnh Nghệ An có tờ trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp hơn 350 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ lụt và hàng trăm tấn gạo cứu đói người dân. Điều này đang đặt ra bài toán kinh tế cần xem xét nguồn năng lượng thủy điện mang lại lợi ích gì cho đời sống hàng nghìn nhân dân miền Tây xứ Nghệ An.

Thủy điện Nậm Nơn chặn dòng chảy tự nhiên làm tăng vận tốc dòng chảy, kết hợp cửa xả nhỏ đã gây xói hạ lưu.

Lũ lớn lộ diện bất cập quy hoạch thủy điện

Sau các đợt mưa lũ xảy ra tháng 7,8 năm 2108, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện các thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bảng Ang, Hủa Na, Châu Thắng. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, việc triển khai xây dựng nhiều thủy điện trên lưu vực sông Cả đã làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của sông, gia tăng thiệt hại do mưa lũ.

Công tác quan trắc, dự báo nước thượng nguồn của các thủy điện còn hạn chế dẫn đến việc xả lũ không chủ động, lưu lượng xả liên tục thay đổi trong thời gian ngắn làm cho lũ vùng hạ du liên tục thay đổi lớn.

Mực nước, dấu bùn vẫn còn trên gốc cây và dòng lũ dữ vẫn ìn hằn trong tâm trí của người dân.

Đoàn kiểm tra nêu rõ các đập thủy điện làm co hẹp dòng chảy là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch lớn về lưu lượng nước giữa 2 mùa. Mỗi khi tiến hành xả lũ, sự chênh lệnh nói trên đã hình thành lưu tốc nước rất mạnh, khiến cho mức độ sạt lở, thiệt hại vùng hạ du tăng cao. Đây là một trong những ảnh hưởng không thấy trước mắt mà chỉ sau thời gian 10 đến 15 năm mới xảy ra tác động đời sống người dân.

Đi dọc sông xuôi về vùng hạ lưu, hai bên bờ xuất hiện ngày càng nhiều điểm sạt lở đất trượt dài xuống lòng sông, nhiều ngôi nhà chênh vênh để lộ chân móng xiêu vẹo ngửa dần hướng ra ta luy âm. Điển hình là tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương có 06 hộ dân phải di dời gấp do nhà bị nền nhà sụt lún, nứt tường, kết cấu cột nhà biến dạng. Những đêm mưa lũ, để phòng xa, người dân chạy xuống nhà kho ngủ tạm.

Bức tường sạt lở ra ngoài ta luy âm.

“Những lúc mưa lũ, vợ chồng con cái dọn chuyển ra sân , phòng tránh trước đảm bảo an toàn con người, còn tài sản nhà cửa bi trôi thì chịu thôi. Trường hợp cấp bách chuyển ra sân bê tông này. Từ khi gia đình bị ảnh hưởng đến nay chỉ có cán bộ xã huyện, còn cán bộ Thủy điện Bản Áng không thấy người nào. Công ty thủy điện thủy điện tích nước cứ để dân thấp thỏm. Tôi kiến nghị Công ty phải có trách nhiệm với chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Hồng cho biết.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các hồ chứa đã đi vào vận hành thì phải chủ trì và chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du theo các kịch bản và có bản đồ ngập lụt theo từng kịch bản; cắm mốc theo các kịch bản và có phương án di dời những nhà bị ảnh hưởng...

Từ khi xây dựng thủy điện, nhiều công trình giao thông bị sạt lở.

Trong đó cần khẩn trương xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du để cung cấp cho các địa phương chủ động phương án ứng phó lũ, đồng thời giảm thiểu thiệt hại nếu như thủy điện thực hiện xả lũ theo đúng quy trình. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du chưa được các nhà máy thủy điện quan tâm thực hiện theo Nghị định 114/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

“Thủy điện Nậm Nơn có hồ nhưng chức năng điều tiết lũ là không có. Đập tràn piano tăng thiết diện thoát nước phụ thuộc vào Thủy điện Bản vẽ. Việc xây dựng bản đồ ngập lụt đang vướng vì có quy mô lớn, kể cả thủy điện Bản Vẽ chưa làm được, vì liên quan đến nhiều thủy điện và khu vực ảnh hưởng rộng, quy mô lớn . Kể cả muốn làm cũng chưa làm được và nhất là kinh phí rất lớn nếu mà làm...”, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Nhà máy Nậm Nơn lý giải.

Trước đó, đại diện chủ đầu tư cho rằng thủy điện nhỏ không gây thiệt hại ở vùng hạ du vì lượng nước vào bao nhiêu thì được xả bấy nhiêu. Vì vậy, việc xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du được coi là căn cứ quan trọng phân định trách nhiệm của nhà máy thủy điện thực hiện “đền bù” hoặc “hỗ trợ” cho người dân khi thực hiện quy trình xả lũ.

Cột điện phải buộc dây thép tạm bợ sau khi lũ rút.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, phân tích: Quy định đã nêu rõ nhà máy phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du thì phải có trách nhiệm đối với người dân sau lòng hồ.

“Đây là điểm mấu chốt mà UBND tỉnh và chính quyền địa phương đang đấu tranh với các chủ nhà máy thủy điện. Khi xả lũ, giải thích lượng nước đến bằng lượng nước xả nhưng chúng tôi không đồng tình. Bởi khi xây dựng đập này mức nước có thế năng cao hơn khi xả ở độ cao sẽ làm tăng vận tốc dòng chảy, kết hợp cửa xả nhỏ đã gây xói hạ lưu. Như vây, nhà máy thủy điện làm tăng vận tốc dòng chảy trước sao với trước khi có nhà máy. Do vậy, nhà máy phải có trách nhiệm đền bù tài sản người dân khi thiệt hại tài sản do sạt lở gây ra”, ông Hiếu cho hay.

Trách nhiệm chủ thể phê duyệt quy hoạch thủy điện

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An 32 dự án nhà máy thủy điện được quy hoạch đều tập trung tại 5 huyện miền núi. Trong đó, huyện miền núi Quế Phong có 11 dự án, Kỳ Sơn có 8 dự án, Tương Dương có 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện 02 dự án. Hiện có 18 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 892MW.

Nhà của ông Nguyễn Văn Hồng ở bản Lưu Kiền (vùng hạ lưu thủy điện Bản Áng) bị hỏng kết cấu.

Các dự án đã và đang được triển khai xây dựng thủy điện trên địa bàn Nghệ An cũng đã "ăn” hơn 5.600 ha đất rừng, 1.733 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000 ha đất khác. Như vậy, nhà máy thủy điện đã chặn nguồn sống, như sông ngòi, đất đai là tư liệu sản xuất chính của những người dân miền núi chỉ biết dựa vào canh tác nông nghiệp.

06 hộ dân ở bản Lưu Kiền (vùng hạ du thủy điện Bản Áng) bị nền nhà sụt lún, nứt tường, kết cấu cột nhà biến dạng nhưng chưa được di dời.

Đặc biệt là gần 5.000 hộ dân phải di dời tái định cư để nhường chỗ cho thủy điện và đang phải sống tại nơi ở mới không bằng nơi ở cũ. Sau khi nhà máy thủy điện gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân địa phương thì UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Công Thương đã đưa ra khỏi quy hoạch 22 dự án thủy điện với các lý do như chưa hiệu quả; không có tính khả thi; triển khai chậm; gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Dư luận đang đặt ra việc trách nhiệm tham mưu của các cơ quan chức năng khi tiến hành thẩm định, khảo sát, điều tra và phê duyệt xây dựng thủy điện trên hệ thống thượng nguồn sông Cả, sông Hiếu.

Sàn nhà bị nứt dài.

“Người dân và chính quyền địa phương không có chuyên môn cũng không biết được. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng thẩm định để quyết định đầu tư dự án này, hiệu quả và hệ lụy đi đến đâu phải đánh giá bài ngửa rõ ràng vấn đề này. Nhà đầu tư đương nhiên tính toán phương án chi thấp nhất. Tôi muốn nói là chính quyền địa phương, sở ngành cần tham khảo ý kiến chuyên gia đóng góp vừa đảm bảo trọn vẹn lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhất là trách nhiệm đối với người dân”, ông Vy Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nêu ý kiến.

Móng nhà nứt nghiêng dần ra ta luy âm.

Tiết trời nắng chang chang, người dân vùng cao phải gồm mình chống lụt đang là nghịch cảnh ở miền Tây xứ Nghệ. Công trình thủy điện găm dày đặc trên các con sông được ví như con thủy quái khổng lồ đã “tận diệt” nguồn sinh kế của hàng nghìn người dân.

Ai cũng có thể nhìn thấy thủy điện đang gây hại cho người dân, làm đảo lộn cuộc sống yên bình ở các làng quê. Trong khi đó, mức đóng góp ngân sách cho ngân sách nhà nước chỉ phần nhỏ so với thiệt hại trước mắt do thủy điện xả lũ gây ra. Trên bản đồ tiềm năng thủy điện Nghệ An cho thấy những chỗ thích hợp để xây dựng nhà máy đã được khai thác.

Nếu tiếp tục khai thác thủy điện thì sẽ cho lợi ích kinh tế ngày càng nhỏ hơn. Điều cấp bách hiện nay là ngoài mục đích phát điện, người dân đòi hỏi quy hoạch xây dựng thủy điện phải đảm bảo được sinh kế cho cộng đồng và tránh tác động đến môi trường sinh thái./.

Tác giả: Sơn Lâm-Đình Hiếu

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP