Đá ở Cù Lao Xanh xếp chồng lên nhau, nối tiếp nhau. |
“Bình Định có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”. Cù Lao Xanh là tên gọi trước đây của xã đảo Nhơn Châu (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) hiện có gần 3.000 dân cùng các lực lượng vũ trang, biên phòng, đơn vị quản lý hải đăng...
Vẻ đẹp tự nhiên của đá
Người ta gọi là Cù Lao Xanh có lẽ cũng vì màu xanh của những rừng cây trên đảo. Giữa nền trời nước bao la với những con sóng bạc đầu, Cù Lao Xanh vẫn khẳng định sức sống của con người và cây cỏ tự bao đời.
Điều thú vị ở đây là đi đâu cũng thấy đá. Nào là đá tảng, đá tròn lớn nhỏ đủ cỡ. Chúng xếp chồng lên nhau, nương tựa vào nhau để lấy thêm sức mạnh mà chịu đựng những đợt sóng to gió dữ. Đá đứng cạnh đường làng, bên chân đảo hay trên sườn non.
Cô đơn giữa biển là Hòn Yến, người dân gọi là hòn đá Ông Già. Có tên vậy là vì ghe thuyền của ngư dân đi lại phía nào quanh núi đá này cũng thấy có hình thù ông già đang ngồi trầm tư trước biển xanh. Những khối đá với nhiều kích cỡ và hình dáng, mang tông trắng xám chủ đạo nằm chồng chất lên nhau thành khối khăng khít như ngọn núi đá vôi khổng lồ giữa màu biếc xanh của biển đảo.
Trên núi đá có nhiều hang hốc, chim yến thường ra vào làm tổ nên mới có câu ca: “Xa xa Hòn Yến - Ông Già/ Có đôi chim yến là đà đang bay”.
Ở phía đông Cù Lao Xanh, những hòn đá tự nhiên nằm đều tự nhiên trên sườn núi. Người dân gọi nơi này là Giếng Tiên và Bàn Cờ Tiên. Giếng nằm ở lưng chừng núi, dưới những tảng đá khổng lồ ghếch lên nhau, cao hơn mực nước biển chừng 40m. Nước từ lòng núi chảy xuống theo khe nhỏ vào một “thùng đá” tự nhiên có hình lục giác, trong vắt, mát lạnh, chưa bao giờ cạn.
Trên một ghềnh đá nhô ra có khu vực bằng phẳng hình chữ nhật, được tự nhiên khéo kẻ ngang dọc nhiều vạch như bàn cờ. Hai nơi này được người dân huyền thoại hóa, truyền tụng: “Cù Lao có Giếng Tiên chơi/ Có Bàn Cờ Tiên giữa trời biển xanh/ Những đêm gió mát trăng thanh/ Mê cờ tiên lão quên canh chầu trời”.
Đi thuyền dạo vòng quanh đảo, thấy cơ man nào là đá xếp hàng chen nhau, kề vai, đứng thẳng ngạo nghễ như muốn thi gan cùng sóng gió đại dương. Mỗi tảng đá lớn đều được đặt tên riêng như: Cá Nạng, Hàm Ếch, Trống Chầu, Hòn Két, Cục Buồm, Cân Hòn Hàu, Mái Nhà… gắn với hình thù mà đá giống hoặc mang ý nghĩa riêng gắn với đời sống ngư dân nơi đây.
Sừng sững ngọn hải đăng
Đến Cù Lao Xanh, từ ngoài khơi nhìn vào sẽ thấy ngọn hải đăng sừng sững, thách thức cùng sóng gió theo thời gian. Khu vực trước ngọn hải đăng là vùng nước không sâu, có bãi đá nổi và nhiều bãi đá ngầm. Các bãi đá ngầm dễ gây tai nạn cho tàu thuyền lớn qua lại, dân đảo thường gọi là Hòn Cao.
Trong khoảng 3 năm, từ năm 1887 - 1890 có tàu thủy lớn của Pháp đi đêm đụng phải Hòn Cao bị hư hỏng nặng. Vì vậy, thực dân Pháp mới xây dựng hải đăng Cù Lao Xanh.
Ngọn hải đăng ở Cù Lao Xanh. Mô tả ảnh |
Sự kiện này đã được nghệ nhân dân gian kể thành một bài vè: “Đêm nghe sấm nổ cái đùng/ Ngó ra mới thấy sáng lừng Hòn Cao/ Tây kêu Tây nói lao xao/ Không đèn nên phải đâm nhào vô đây/ Chỉ vì sâu, cạn chẳng hay/ Nào ngờ đâu có đá ngầm quá đa/ Quân quân lính thủy trên tàu/ Bàn đi tính lại chước mầu nào đây?/ Chỉ còn một kế thiệt hay/ Xin trên xây cất nơi này hải đăng…”.
Theo ông Nguyễn Hữu Kha - Trạm phó hải đăng Cù Lao Xanh, ngọn hải đăng được xây dựng theo kiến trúc thời Pháp thuộc, toàn bộ kiến trúc được xây bằng đá tảng lớn, tường dày hơn 1m. Mục đích của người Pháp xây dựng ngọn đèn biển này là để hướng dẫn tàu, thuyền ra vào Cảng Quy nhơn được thuận tiện, an toàn.
Hải đăng cao 118m so với mực nước biển, kết cấu gồm 4 phần chính, phân bổ hài hòa, hợp lý. Tính từ chân tháp lên đỉnh, hải đăng cao 19m. Phần chân tháp gồm 32 bậc thang được xây bằng gạch vồ; phần thân tháp hình trụ, bên trong có một cầu thang lượn hình xoắn ốc 58 bậc. Đây là một trong những ngọn hải đăng được xây dựng sớm và hiện đại nhất Việt Nam.
Ngọn hải đăng sừng sững hiên ngang là biểu tượng đẹp nhất cho tinh thần của người dân Cù Lao Xanh quanh năm sống chung với sóng gió biển khơi. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hải đăng vẫn luôn sáng đèn giúp việc định vị của tàu thuyền đánh bắt trên biển Bình Định và khu vực biển miền Trung. Vì vậy, ngọn hải đăng còn được gọi là “mắt thần” của biển.
Từ tầng cao của ngọn hải đăng có thể bao quát tầm nhìn rộng lớn. Xét về mặt quân sự, vị trí này hết sức lợi hại. Về yếu tố thẩm mỹ, đứng nơi này phóng tầm mắt ra xa không thể không ngây ngất trước cảnh sương sớm, bình minh trên biển, hoàng hôn chín đỏ… Và, vào những đêm trăng rằm thì hải đăng Cù Lao Xanh chẳng thua gì “chốn bồng lai tiên cảnh” .
Ngày 31/10/2014, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức khánh thành Cột cờ Tổ quốc ở nơi này. Đây là cột cờ đầu tiên trong 7 cột cờ Tổ quốc được xây dựng tại các đảo tiền tiêu gần bờ của cả nước do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng.
Điều này góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời là nơi giáo dục, rèn luyện tinh thần yêu nước của thanh niên. Đặc biệt, vào ngày 22/11/2014, hải đăng Cù Lao Xanh đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn là Top 5 ngọn hải đăng trên 100 tuổi nổi tiếng nhất.
Miên man tình đất, tình người
Nằm giữa vùng biển quanh năm sóng gió nhưng người dân trên đảo vẫn vững vàng tay lưới, vươn khơi bám biển, xây dựng đời sống ngày càng phát triển.
Cột cờ Tổ quốc ở Cù Lao Xanh. |
Vài năm gần đây, hoạt động du lịch cộng đồng ở khu vực Cù Lao Xanh phát triển khá mạnh, phục vụ yêu cầu phát triển du lịch sinh thái biển đảo của tỉnh Bình Định. Do vậy, đời sống của người dân trên đảo đã có nhiều cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, chuyện thiếu điện vẫn là mối lo thường trực, bởi nguồn điện cung cấp cho nơi này chỉ trông chờ vào mấy chiếc máy nổ phát điện được 6 tiếng trong đêm.
Dù cách trở đất liền, nhưng di sản bài chòi ở đây vẫn được bảo tồn, phát huy, là món ăn tinh thần cho cư dân trên đảo, gần đây còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Có được những điều này là nhờ vào vai trò hạt nhân nòng cốt của vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước - Lê Thị Hoa và 4 người con của họ.
Từ năm 2011, ông Phước đứng ra xây dựng phong trào sinh hoạt bài chòi, rồi đội bài chòi dân gian xã đảo Nhơn Châu ra đời do ông làm đội trưởng, tổ chức sinh hoạt cho người dân đảo vào mỗi dịp lễ, tết…
Hằng ngày, ở đảo tiền tiêu này, cán bộ và chiến sĩ Ðại đội hỗn hợp Ð30 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định) vẫn luôn chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Điều khá thú vị là nhiều anh bộ đội đã se duyên cùng những thiếu nữ làng chài. Trong đó có nhiều cặp sau khi cưới nhau, họ định cư ở nơi này, sinh con đẻ cái, làm ăn sinh sống.
Nghe những chuyện tình ở nơi đây, chúng tôi lại chợt nhớ đến câu chuyện trong truyện ngắn nổi tiếng “Chuyện tình trên Cù Lao Xanh” của nhà văn Nguyễn Thành Long.
Ở đây, nhộn nhịp nhất vẫn là chợ cá vào mỗi sớm mai với cảnh thuyền, bè, lưới, thúng về bến… Cũng mua bán, cũng khiêng quảy, nhưng không vội vã, không ồn ào tấp nập. Những thúng cá còn tươi rói, những mẻ lưới phơi, rũ trong nắng cho kịp đảo chuyến lúc chiều về. Năm, bảy hàng quán rất gần với chợ cá. Có cả cà phê, ăn sáng, với bánh xèo, bánh bèo, rồi xôi, bánh mì... đủ cả. Và, những con người ấy vẫn tất tả mưu sinh với công việc thường ngày.
Tác giả: Nhuận Oanh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam