Gia đình ông Lô Thanh Tín ở bản Bãi Sa, xã Tam Quang, huyện Tương Dương có 7ha đất rừng được giao theo Nghị định 163 từ năm 2003. Khi giao đất, ông Tín có hơn 2ha được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi để trồng rừng do hiện trạng rừng tự nhiên nghèo kiệt và chủ yếu là đất trống. Trồng keo, trồng sắn, sau 15 năm nhận đất, số diện tích được chuyển đổi này đã thực sự giúp gia đình ông sống được với rừng.
Một số hộ gia đình được nhận đất rừng và chuyển đổi trồng rừng kinh tế đã phát huy được hiệu quả, giúp nâng cao đời sống. |
Chia sẻ của ông Lô Thanh Tín: “Chuyển đổi trồng rừng phát triển kinh tế giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống bớt khó khăn nên chúng tôi rất phấn khởi”.
Cũng được nhận đất theo Nghị định 163, nhưng có rất nhiều hộ dân không được khấm khá như gia đình ông Tín. Sau cả chục năm được giao đất, 4ha đất rừng được giao khoanh nuôi, bảo vệ của ông Vi Trường Vĩnh ở bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương có xanh hơn so với ban đầu nhưng chủ yếu là các loài cây không có giá trị. Số tiền từ rừng đem lại cho gia đình ông mỗi năm chỉ có hơn 100.000 từ dịch vụ môi trường rừng.
Một số hộ được giao đất với mục đích khoanh nuôi, bảo vệ không thể phát triển kinh tế, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. |
Ông Vi Trường Vĩnh chia sẻ thêm: “Thu nhập từ rừng quá ít nên gia đình phải chăn nuôi hoặc trồng rau, trồng cỏ bên vườn nhà. Nếu có chủ trương cho trồng keo, trồng xoan thì kinh tế sẽ khá hơn hiện tại”.
Ngay lực lượng kiểm lâm trên địa bàn và chính quyền địa phương cũng đánh giá: Trong số đất rừng đã giao cho dân theo Nghị định 63, hiện trạng rừng nghèo kiệt, đất trống đang khá phổ biến nhưng để cho dân chuyển đổi trồng rừng kinh tế thì không đơn giản, bởi ai sẽ chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá, quy hoạch lại vùng đất nào phải khoanh nuôi bảo vệ, vùng nào phải chuyển đổi và kinh phí ở đâu để dân làm kinh tế cũng là chuyện khó.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương cho biết: “Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là việc làm phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ và phải được sự cho phép của các cấp theo quy định của pháp luật. Tôi nghĩ nếu đề án của huyện Tương Dương được thực hiện thì lâm nghiệp là một thế mạnh của người dân ở đây”.
Phần lớn diện tích đất rừng trên địa bàn huyện Tương Dương chưa thể đến tay người dân do thiếu kinh phí thực hiện. |
Vấn đề kinh phí hiện không chỉ gây khó khăn cho việc quy hoạch lại đất rừng đã giao mà còn khiến hàng trăm ngàn ha đất rừng chưa giao khó có thể tiếp tục đến tay người dân. Với hơn 27.000ha, huyện Tương Dương cần có tương ứng khoản kinh phí hơn 20 tỷ đồng để có thể tiến hành thiết kế, cấp giấy chứng nhận đến dân. Đây cũng là khó khăn chung của các huyện miền núi hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết thêm: “Ngoài nỗ lực của huyện và nhân dân thì cũng rất cần hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Phải có kính phí chúng tôi mới thực hiện quy hoạch vùng khoanh nuôi bảo vệ, vùng trồng rừng để dân phát triển kinh tế. Quan trọng là đất rừng đến được với nhân dân phát huy được ý nghĩa, hạn chế được nạn phá rừng và sử dụng đất rừng trái phép”.
Không đánh giá đúng thực trạng của rừng làm hạn chế khả năng phát triển kinh tế lâm nghiệp ở địa bàn miền núi. |
Hệ lụy của việc không đánh giá đúng hiện trạng của rừng hiện nay không chỉ khiến Nhà nước phải mất một nguồn kinh phí, nhân lực lớn để bảo vệ những diện tích đất lâm nghiệp không có khả năng tái tạo thành rừng và không có chức năng phòng hộ, mà còn khiến khả năng phát triển kinh tế lâm nghiệp ở các địa bàn miền núi bị hạn chế./.
Tác giả: Xuân Hướng – Trường Ca
Nguồn tin: truyenhinhnghean.vn