Giáo dục

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn của học sinh miền núi Nghệ An

Năm nào cũng vậy, sĩ số học sinh trong các nhà trường ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đều giảm do nạn tảo hôn.

Những cuộc hôn nhân chưa được pháp luật công nhận không chỉ đóng lại bao ước mơ, khát vọng trước ngưỡng cửa cuộc đời của các em mà ngay cả những đứa trẻ được sinh ra sau những cuộc hôn nhân đó dường như cũng chịu chung số phận.

Những trang sách còn dang dở

Trong những bản làng mờ sương miền biên giới xứ Nghệ, hàng trăm đứa trẻ chưa kịp lớn đã vội vã lấy vợ, lấy chồng. Đằng sau các cuộc hôn nhân chóng vánh ấy là những trang sách còn dang dở, là lời ru buồn, là hệ lụy cho cả cộng đồng và xã hội.

Nếu không gặp Và Y Va (sinh năm 2008) và nghe câu chuyện của em, chúng tôi có lẽ không tin gương mặt còn non nớt ấy cách đây chưa lâu đã làm dâu, làm vợ. Ở cái tuổi “ăn chưa no đã phải lo làm vợ”, cô bé học sinh Trường Phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tây Sơn phải bỏ học để theo gia đình nhà chồng ở bản Huồi Giảng 3 (xã Tây Sơn) kiếm cái ăn, cái mặc. Không chỉ kinh tế phụ thuộc mà ngay cả kiến thức và kinh nghiệm làm vợ, làm dâu cũng không có, khiến cuộc sống gia đình trở thành gánh nặng với cô bé vừa mới 14 tuổi.

Y Va ngập ngừng kể: “Khi lấy mình, họ nói sẽ thương mình, nhưng thực sự không phải như vậy. Lấy rồi, họ không yêu thương mình nữa, suốt ngày bỏ đi chơi để em ở nhà một mình. Công việc nặng nhọc và vất vả lắm”.

Chính quyền xã Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) tập huấn về công tác tuyên truyền chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Nhận thấy việc làm chủ cuộc sống sau khi lấy chồng là điều không thể, Y Va đã quyết định từ bỏ cuộc hôn nhân chóng vánh này để quay trở lại lớp học với sự động viên của cô giáo chủ nhiệm Đinh Thị Hòa. Cô Hòa chia sẻ: “Khoảnh khắc Y Va muốn quay trở lại trường để học tiếp khiến tôi như vỡ òa, vì trường hợp học sinh lấy chồng rồi mà quay trở lại trường rất hiếm. Các thầy cô luôn động viên, giáo dục các em những quy định của pháp luật về hôn nhân; những khó khăn, hệ lụy sau khi lấy chồng sớm, nhưng nhiều em vẫn bỏ ngoài tai lời khuyên ấy”.

Sau cuộc hôn nhân quá sớm, rất nhiều cô dâu đã hối hận và ước muốn được quay trở lại trường học. Nhưng khi hủ tục vẫn còn đè nặng trong tư tưởng của cộng đồng dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ, không phải em nào cũng may mắn như Y Va.

Đến xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi bắt gặp cặp đôi Xồng Y Dia (sinh năm 2004) và Và Bá Chống (sinh năm 1999), dân tộc Mông, đang ngập ngừng trước cửa UBND xã. Bây giờ họ mới đủ tuổi đăng ký kết hôn. Sau 4 năm lấy chồng, Y Dia sắp làm mẹ của đứa con thứ hai. Khi được hỏi về công việc sau hôn nhân, Và Bá Chống trả lời: “Hai đứa ở nhà thôi, ai thuê gì thì làm nấy, làm nương, làm rẫy nuôi con. Con 3 tuổi rồi, chưa có giấy khai sinh nên ốm thì tự chữa thôi”.

Việc sinh con khi chưa đủ tuổi không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe của cả người mẹ và em bé mà những quyền lợi của đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng. Khi chưa có giấy đăng ký kết hôn, chính quyền không thể làm giấy khai sinh cho các cháu. Điều đó đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sinh ra không được pháp luật và Nhà nước bảo vệ, không được hưởng quyền lợi theo quy định.

Day dứt hủ tục còn tồn tại dai dẳng

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, tổng số người tảo hôn trên địa bàn huyện năm 2021, 2022 lần lượt là 147 và 171 trường hợp. Chỉ tính riêng quý I-2023, toàn huyện đã ghi nhận 150 trường hợp tảo hôn (131 trường hợp là người dân tộc Mông), vượt qua tổng số trường hợp tảo hôn của cả năm 2021. Đáng buồn là độ tuổi tảo hôn ngày càng “trẻ hóa” ở con số 13-14. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các xã, trong đó phổ biến nhất ở các xã: Mường Lống, Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ...

Trường THCS dân tộc bán trú Mường Lống có 345 học sinh. Sau dịp Tết Nguyên đán 2023, có 22 học sinh kết hôn, trong đó 15 em bỏ học vì lý do lấy chồng, lấy vợ. Trong số học sinh bỏ học kết hôn có những em lấy chồng còn chưa đủ 13 tuổi. Ông Vừ Bá Xử, Phó chủ tịch UBND xã Mường Lống chia sẻ: “Công tác tuyên truyền vẫn được tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp của các lực lượng, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết hủ tục này. Người dân tộc Mông có tục bắt vợ, chỉ cần bước qua ngưỡng cửa nhà trai là người con gái đã mang tiếng một đời chồng. Hơn nữa, các cặp đôi lại nhận được sự đồng thuận từ gia đình, bởi chính bố mẹ, người thân của các em cũng lấy vợ, lấy chồng từ rất sớm. Thông qua mạng xã hội, các em có điều kiện quen, gặp gỡ và trao đổi nhiều hơn. Hầu hết các cặp vợ chồng sau khi cưới đều chưa thể tự chủ, vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình”.

Có thâm niên đi tuyên truyền chống nạn tảo hôn, chị H’Y Mại, cán bộ phụ nữ xã Mường Lống đã nghỉ hưu, lắc đầu nói: “Kia kìa, ở bản Phà Xắc vừa hôm qua mới có một cặp lấy nhau. Hai đứa đang đi học, vợ nó mới 15 tuổi thôi. Lấy nhau kiểu đó ở đây khá nhiều. Ngay cả con ông cán bộ xã ngày trước cũng tảo hôn thì còn nói được ai”.

Bày tỏ nỗi trăn trở về vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: “Nhiều xã đã áp dụng xử phạt hành chính một vài trường hợp, số tiền phạt cũng lên đến một, hai triệu đồng nhưng vẫn chưa có tác dụng. Nhiều cặp vợ chồng trẻ vào Nam tìm việc làm, để con lại cho ông bà nuôi. Những đứa trẻ không được nuôi dạy tốt càng dễ rơi vào tình trạng tảo hôn. Chúng tôi đã đến từng bản, sống chung với họ như những người anh em trong bản. Lúc thân thiết rồi mình nói họ mới nghe”.

Nhìn nhận tình trạng tảo hôn là một bài toán lâu dài của huyện, bà Vi Thị Quyên, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hiện nay, chúng tôi chưa có thêm giải pháp nào ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động. Đại diện chính quyền đến từng hộ gia đình, vừa tuyên truyền, vận động, vừa ký cam kết. Năm nay, huyện đề xuất triển khai thêm biện pháp theo quy định của pháp luật. Một số địa phương đã triển khai nhưng còn nhiều vướng mắc, bởi những người dân tộc thiểu số chỉ cần phật ý một chút là đi tự tử”.

Thừa nhận một thực tế là ngay con em người đứng đầu cũng vi phạm, bà Vi Thị Quyên nói: “Giải pháp gắn trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, cơ sở như bí thư, trưởng bản sẽ được đưa ra. Nếu địa phương, gia đình, dòng họ để xảy ra tình trạng tảo hôn thì người đó phải chịu trách nhiệm. Cùng với việc tập trung giáo dục kỹ năng, nhận thức cho học sinh trong nhà trường, huyện cũng tìm cách cải thiện đời sống kinh tế-xã hội cho người dân và nâng cao dân trí. Hy vọng khi cuộc sống văn minh hơn thì tình trạng này có thể được giải quyết”.

Về những đứa trẻ sinh ra trong cuộc hôn nhân chưa được pháp luật công nhận, bà Vi Thị Quyên cho hay, lâu nay, huyện vẫn làm chế độ bảo hiểm cho trẻ em dưới 16 tuổi. Vận dụng chính sách ấy, chính quyền thuyết phục các bà mẹ làm thủ tục mẹ đơn thân để đứa trẻ được bảo đảm những quyền lợi cũng như tiêm chủng. Sau này, khi mẹ đủ tuổi làm giấy đăng ký kết hôn sẽ bổ sung hộ tịch cho người con đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu làm theo. “Trong quản lý hộ tịch có nhiều bất cập nhưng chính quyền vẫn phải chia sẻ để bảo đảm quyền lợi của các cháu. Đây là giải pháp tình thế, còn mục tiêu vẫn là làm thế nào để hạn chế tình trạng tảo hôn”, bà Quyên chia sẻ.

Để giữ học trò, ngăn chặn những cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi, cả hệ thống chính trị ở vùng cao Nghệ An đã vào cuộc bằng nhiều giải pháp, nhưng câu chuyện tảo hôn vẫn tồn tại đầy day dứt.

Tác giả: THU HÀ - PHÚ SƠN

Nguồn tin: qdnd.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP