Chuyện chọn ngành của Nguyễn Văn Phương, cựu sinh viên trường ĐH Mở Hà Nội dưới góc nhìn của bố mẹ là đầy trắc trở. Năm 2016, Phương quyết định chọn ngành Công nghệ thông tin, trường ĐH Mở Hà Nội để theo học vì “thấy hay hay”. Đặc biệt, Phương bị cuốn hút khi nhìn thấy anh họ được làm việc với những màn hình máy tính hiện đại nhất. Nhưng khi vào học, những thuật toán, những phương trình số học thực sự là rào cản với mình và Phương nhận thấy không có hứng thú với ngành này.
Tốt nghiệp năm 2020, ra trường, Phương không xin việc mà tiếp tục đi học văn bằng hai ngành Điện tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Sự lựa chọn ngành “phụ” với Phương lại thực chất là ngành chính vì đây mới là sở trường, sở thích của em. Hiện tại, Phương đang làm công việc yêu thích tại hệ thống điều khiển đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.
“ … cộng với tư tưởng sính bằng cấp và tư tưởng tuyển sinh cho bằng được đã khiến lượng học sinh dự tuyển vào giáo dục ĐH ngày càng nhiều, lượng học sinh dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp ngày càng giảm (tính theo tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT). Điều đó dẫn tới tình trạng ngành thừa, ngành thiếu nhân lực, gây lãng phí cho xã hội và khó khăn cho người học tốt nghiệp mà không xin được việc làm”, TS Phạm Như Nghệ nói. |
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, một trong những sai lầm mà thí sinh hay mắc phải là tình trạng các em chọn ngành nghề học theo thu nhập, thị hiếu và trào lưu. Dễ thấy nhất là thí sinh chọn nghề không đúng năng lực, tính cách của bản thân, chưa hiểu đúng ngành học hoặc chọn ngành học theo số đông, chọn theo sự áp đặt của gia đình, chọn theo rủ rê của bạn bè….
Hướng nghiệp tốt sẽ giảm tình trạng người học chọn sai nghề Ảnh: Nghiêm Huê |
PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng trước khi điền thông tin xét tuyển nguyện vọng, thí sinh cần trả lời lần lượt các câu hỏi: Tôi thích nghề gì, phù hợp nghề gì; tôi chọn nghề gì và nên học tập ở đâu? Ngoài ra, thí sinh nên đọc kỹ nội dung đào tạo, các môn học đào tạo, chuẩn đầu ra của các ngành nghề mà mình dự định đăng ký xét tuyển, nghiên cứu thật kỹ và tham khảo ý kiến tư vấn của người thân, thầy cô giáo, chuyên gia để có lựa chọn phù hợp nhất. Thí sinh cũng cần bám vào xu hướng thời cuộc như: Ngành nghề xuất hiện mới trong cuộc cách mạng 4.0, biến đổi ngành nghề trong đại dịch COVID-19… Ngoài chọn nghề dựa trên yếu tố truyền thống gia đình, đặc điểm địa phương, xác định nơi làm việc sau khi tốt nghiệp…
Theo khảo sát của một Trung tâm dự báo nhân lực, năm 2019, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học; 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học. Một khảo sát khác cũng cho kết quả, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Chính vì thế, có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của bản thân trong việc lựa chọn ngành, trường theo học.
Hệ lụy của việc chọn sai nghề là tốn nhiều thời gian công sức, tiền bạc, mất niềm tin vào chính mình, khó có thể phát triển được bản thân sau khi tốt nghiệp đại học ra trường. Trong khi đó, những nhà tuyển dụng cần người có thể làm được việc, thế nên khả năng những ứng viên như vậy có nguy cơ bị loại và dễ bị đào thải kể cả sau khi đã được tuyển dụng.
Bắt đầu từ hướng nghiệp
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mỗi năm, có tới hàng trăm sinh viên của trường không đủ điều kiện để theo học tiếp và bị buộc thôi học. Trong đó, phần lớn do không đáp ứng được yêu cầu đào tạo của ngành đã chọn.
Hiện nay, công tác hướng nghiệp chủ yếu thường đưa học sinh đến các trường ĐH để các em tìm hiểu môi trường học, chất lượng đào tạo và việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên các em quên tìm hiểu quá trình học tập, đam mê công việc và theo đuổi việc học đến cùng. Vì thế, vẫn còn hiện tượng sinh viên không tìm thấy động lực học tập sau khi trúng tuyển nên thôi học, bỏ ngang và học lại ngành khác.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh vẫn còn rất khiêm tốn. Một thực trạng trong những năm qua cho thấy các cơ sở giáo dục ĐH cố gắng nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo theo năng lực của nhà trường mà chưa quan tâm nhiều đến việc sinh viên tốt nghiệp có xin được việc làm hay không. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cố gắng tuyển sinh cho đủ, thừa hơn thiếu và cũng theo hướng đào tạo theo năng lực của nhà trường là chính. Không ít nhà trường thuộc hai hệ thống giáo dục này dành sự quan tâm nhiều cho công tác tuyển sinh. Và đôi khi, tuyển sinh đủ chỉ tiêu được xem là một thành công của cơ sở đào tạo.
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền phong