Địa đạo Củ Chi đáp ứng được nhiều tiêu chí của công ước di sản thế giới của UNESCO: một tuyệt tác của thiên tài sáng tạo; một điển hình nổi bật về một loại công trình xây dựng; một quần thể kiến trúc, kỹ thuật minh họa một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nhân loại; một hình thức cư trú truyền thống của con người, sự tương tác giữa con người và môi trường...
Công trình địa đạo Củ Chi nằm sâu trong lòng đất, đến nay vẫn rất ít người được chiêm ngưỡng. |
Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (thuộc huyện Củ Chi, TPHCM) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015 với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo.
Theo các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thì địa đạo Củ Chi là một công trình hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất có cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, với chiều dài khoảng hơn 200km. Đây là một công trình được xây dựng hết sức kỳ công, bí mật, khoa học được thực hiện trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Chính vì vậy, di tích thu hút rất nhiều du khách thế giới tới tham quan.
Du khách trầm trồ trước sự xuất hiện của anh bộ đội từ trong lòng đất. (Ảnh: Trần Nguyễn Anh) |
Hiện nay, di tích Địa đạo Củ Chi đang đứng trước những thách thức về sự xuống cấp do thời gian, quá trình đô thị hóa ngày càng được mở rộng. Trong khi đó, ngoại trừ một diện tích hết sức nhỏ đang được khai thác bảo tồn làm du lịch, phần lớn 200km đường hầm vẫn "ngủ yên" trong lòng đất và nhiều khả năng sẽ bị xuống cấp, hư hỏng.
Nếu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Địa đạo Củ Chi sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch rất tiềm năng cho TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, đồng thời nó cũng sẽ mở ra cơ hội bảo tồn, tôn tạo 200km đường hầm đang nằm sâu trong lòng đất.
Mới chỉ một phần rất nhỏ công trình địa đạo được khai thác làm du lịch. (Ảnh: Trần Nguyễn Anh) |
Tuy nhiên, Địa đạo Củ Chi vốn là một công trình quốc phòng, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến tranh, do đó việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của công trình cũng cần được sự thống nhất của Bộ Quốc Phòng để đảm bảo hài hòa các lợi ích phát triển kinh tế và giữ vững an ninh quốc phòng.
Địa đạo Củ Chi vốn là công trình quốc phòng và có vị trí quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng. Trong ảnh là du khách tham quan các loại vũ khí đã từng được sử dụng trên chiến trường Củ Chi. (Ảnh: Trần Nguyễn Anh) |
Tác giả: TRẦN NGUYÊN ANH
Nguồn tin: Báo Tiền phong