Kinh tế

Đề xuất lập quỹ phát triển miền Tây Nghệ An

Tại phiên thảo luận tổ Tổ 5 của HĐND tỉnh Nghệ An, vấn đề thủy điện lại tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm.

Chiều 10/12, tại phiên thảo luận tổ trong kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng, để giúp các huyện miền núi phát triển, sắp tới cần thành lập Quỹ phát triển miền Tây Nghệ An. “Quỹ này sẽ giúp đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội khu vực miền núi. Trong đó, ngoài nguồn ngân sách ra thì các thủy điện trên địa bàn phải có trách nhiệm đóng góp”, ông Sơn nói.

Đại biểu Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 5. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng tại phiên thảo luận tại tổ này, nhiều đại biểu đề cập đến tình trạng thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân. Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của thủy điện trong vấn đề này. “Vừa rồi 2 thủy điện trên địa bàn là Bản Vẽ và Khe Bố có hỗ trợ người dân địa phương 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là hỗ trợ, chúng tôi muốn ở đây là trách nhiệm rõ ràng”, ông Hải nói.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương cũng cho rằng, thời gian tới cần có giải pháp kiểm soát hành lang xả lũ. “Dọc 2 bờ sông Lam rất đông dân cư nhưng hiện nay hành lang xả lũ không quản lý nổi. Vừa rồi thủy điện Bản Vẽ mới xả công suất như vậy đã gây thiệt hại nặng, nếu xả hết công suất cho phép thì rất nguy hiểm, đề nghị các bộ, ngành cần điều chỉnh quy trình xả lũ, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch những thủy điện hiệu quả không cao".

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn chủ trì phiên thảo luận tổ. Ảnh: Tiến Hùng

“Thủy điện có 3 chức năng. Thứ nhất là cắt lũ, thứ hai là chống hạn rồi mới đến phát điện. Nhưng hiện nay, 2 chức năng trước dường như bị bỏ qua, chỉ quan tâm đến phát điện”, Bí thư Huyện ủy Tương Dương bức xúc.

Trong khi đó, ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc cho rằng, các dự án thủy điện khi thiết kế đã không đánh giá hết được thiệt hại. Vì tiết kiệm chi phí di dời dân, những dự án này đã không công khai thông tin. Đánh giá không chính xác khu vực bị ảnh hưởng sau khi thủy điện vận hành.

Ngoài ra, cũng tại phiên thảo luận tổ này, các đại biểu còn đề cập đến nhiều vấn đề như nợ đọng thuế; triển khai chính sách giao đất, giao rừng còn chậm; tình trạng lao động rời bỏ quê để đi làm ăn xa, đặc biệt là qua Trung Quốc trái phép; nhiều dự án di dời khẩn cấp ở vùng cao vẫn đang dang dở, vốn được đầu tư nhỏ giọt…

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây thiệt hại. Ảnh: Tiến Hùng

Đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng, hơn 300 hộ dân tại huyện này đang phải sống trong cảnh thấp thỏm vì sạt lở nhưng không có nguồn vốn để tiến hành tái định cư. Vụ việc xảy ra ở các xã Mường Ải, Mường Típ, thị trấn Mường Xén.

“Việc sạt lở xảy ra từ cơn bão số 3 gần nửa năm trước, có thể nói là thảm họa. Hiện nay người dân đang phải ở tạm, nếu thời gian tới, khi mùa mưa đến thì rất nguy hiểm”, ông Hoàng nói và cho hay, địa phương đã khảo sát, lập dự án tái định cư để trình các cơ quan ban, ngành nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Tác giả: Tiến Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP