Kinh tế

Điểm nghẽn xuất khẩu năm 2018

Xuất khẩu hàng hóa của năm 2017 đã đạt những thành quả đáng ghi nhận. Theo đánh giá của Bộ Công thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong năm 2017 đã chuyển dịch thành công và đây chính là động lực để tạo đà cho xuất khẩu của 2018 về đích. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường trọng yếu, do vậy không đảm bảo tính bền vững.

Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của năm 2017, có thể thấy nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 81,3%, trong khi đó, tỷ trọng của nhóm hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2%. Những con số nói trên cho thấy đang có một sự dịch chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu xuất khẩu, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến đang trở thành động lực chính với tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Bên cạnh những chuyển biến trên, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu cũng dần được cải thiện; tăng từ 15% (năm 2000) lên hơn 50% năm 2017. Với mặt hàng điện thoại, số lượng doanh nghiệp (DN) Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho Tập đoàn Samsung đã tăng lên 200. Ngành dệt may cũng đã có thể xuất khẩu được nguyên phụ liệu bên cạnh việc chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thời gian qua xuất khẩu đã phát triển theo đúng định hướng; giảm xuất khẩu hàng thô sơ, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo. Hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Việt Nam đã có quan hệ thương mại trên 200 quốc gia, có tới 9 nhóm ngành hàng lớn khẳng định vị thế trên thế giới. Năm 2017 có 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Việc gia tăng xuất khẩu đảm bảo năng lực nền sản xuất và chiến lược hội nhập rất đúng định hưởng. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng giúp tìm thêm thị trường, đảm bảo cơ bản năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, nhận định về tình hình xuất nhập khẩu của các ngành hàng hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vẫn thẳng thắn nêu lên một thực tế, đó là xuất khẩu chưa thực sự bền vững, vẫn phụ thuộc một số thị trường trọng yếu. Riêng với lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản, vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… vẫn đang là những điểm nghẽn xuất khẩu nhóm ngành hàng này.

Trong khi đó, việc xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường như Trung Quốc, EU cũng là trở ngại cho sản xuất trong nước. Bộ trưởng cũng thừa nhận thực tế yếu kém trong sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước giúp gắn kết thị trường và dự báo thị trường, nắm bắt nhu cầu. Để tháo gỡ những điểm nghẽn xuất khẩu, tạo sự thông thoáng để đạt được mục tiêu xuất khẩu của năm 2018, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, cần gia tăng năng lực sản xuất, giảm thiểu hàng rào thuế quan với hàng sản xuất trong nước; đa dạng thị trường xuất khẩu...

Nhấn mạnh về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thời gian tới, đặc biệt là nhóm nông lâm thủy hải sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu ra thị trường thế giới, để thế giới biết đến nhiều hơn sản phẩm của Việt Nam. Theo ông Hòe, Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Về cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường đã thông thoáng, minh bạch, thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên theo ông Hòe, các DN vẫn mong muốn cơ quan quản lý nhà nước xem xét, có sự điều chỉnh để tạo điều kiện cho xuất khẩu như chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với một số nguyên phụ liệu, quy định về kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí lãi suất, chi phí vận tải…để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Hiệp hội sẽ cùng với các cơ quan, bộ, ngành và địa phương tập trung cho các hoạt động liên quan đến sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, không chỉ ở khâu chế biến tại các nhà máy mà còn tâp trung từ khâu nuôi trồng và các khâu liên quan trong chuỗi sản xuất.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP