Du lịch và nhiều ngành kinh tế khác tổn thất nặng nề vì Covid-19 |
Hơn 20 năm từ làm thuê đến tự mở công ty kinh doanh riêng, bà Hoàng Thị Lan Hương- Giám đốc Công ty du lịch Vietmoon Travel chưa bao giờ phải đối diện với tình cảnh khó khăn như hiện tại. Từ Tết đến nay, công ty này chưa có 1 khách du lịch nào, tức số lượng khách đã giảm 100% vì Covid-19 .
“Doanh thu của công ty bằng 0. Chúng tôi buộc phải cho 50% nhân viên tạm nghỉ việc không lương, chỉ giữ lại nhân sự chủ chốt. Ngoài ra, chúng tôi tiết giảm, thu gọn không gian sử dụng, từ 3-4 phòng còn 1 phòng để giảm chi phí điện nước”- bà Hoàng Thị Lan Hương cho biết.
Chủ doanh nghiệp này cũng cho biết thêm, công ty đang thương thảo với chủ nhà để giảm 20-30% chi phí thuê mặt bằng. Nếu không đạt được thỏa thuận, bà Lan Hương sẽ rút văn phòng công ty về hoạt động tại nhà, sau khi hết dịch sẽ tìm kiếm địa điểm mới để kinh doanh.
“Sau dịch, tình hình vẫn còn vô cùng khó khăn. Chúng tôi kiến nghị được miễn đóng bảo hiểm 6 tháng, miễn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng và được rút 50% tiền ký quỹ”- bà Lan Hương kiến nghị.
Trong dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch đã chịu tổn thất nặng nề. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng không nằm ngoài tình trạng này. Tuy vậy, Covid-19 không chỉ tác động đến riêng lĩnh vực trên.
Từ chối thông tin cụ thể về khó khăn và giải pháp của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, tổng giám đốc một doanh nghiệp vận tải cho biết: “Nói nhiều lần về khó khăn cũng không giải quyết được gì. Chúng tôi buông xuôi rồi, hết dịch bệnh rồi tính”.
Khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực phải tiết giảm chi phí tối đa. Tại cuộc họp diễn ra hồi cuối tháng 2-2020, ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, ngoài việc cho nhân viên nghỉ việc luân phiên không lương, lãnh đạo công ty cũng bị giảm lương tới 40%. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn khác cũng lao đao vì đầu vào là nguyên liệu sản xuất và đầu ra là sản phẩm đều tắc nghẽn nếu dịch Covid-19 còn kéo dài.
Khó khăn từ chủ doanh nghiệp cũng tác động đến đội ngũ nhân viên. Từ hơn 1 tháng qua, Tố Uyên (nhân viên kế toán một công ty chuyên về nội thất có tiếng) đã bị công ty cắt bớt bữa ăn phụ (trái cây) so với chế độ trước đó trong ngày.
“Công ty tôi đã cho nghỉ việc nhiều nhân viên vừa hay hết hạn hợp đồng, không tái ký. Số nhân viên còn lại thì phải nghỉ việc luân phiên. Đơn hàng rất ít. Từ 2 tuần nay, các nhân viên còn lại được nghỉ việc 1 buổi/tuần không lương”- Tố Uyên nói.
Cùng cảnh ngộ trên, Minh Huy (nhân viên công ty chuyên cung cấp, sửa chữa thiết bị máy văn phòng) cho hay: “Lương nhân viên chúng tôi trước đây tạm đủ sống nên tích lũy không nhiều. Giờ nếu dịch bệnh kéo dài, nghỉ việc không lương như thế này thì chẳng mấy mà không đảm bảo được cuộc sống nữa”.
Theo TS Cấn Văn Lực- Cố vấn chủ tịch Hội đồng Quản trị - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khó khăn của dịch bệnh sẽ khiến doanh nghiệp và người dân dè dặt hơn trong chi tiêu.
Ngành du lịch, vận tải sẽ chịu tác động lớn nhất từ Covid-19, sau đó đến các ngành sản xuất theo chuỗi như: dệt may, thiết bị điện tử dân dụng, đồ chơi trẻ em, hóa chất, thiết bị điện tử, gỗ, phương tiện vận tải, dầu và than.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp cho các doanh nghiệp lúc này không phải là tung tiền ra cứu doanh nghiệp vì phương án này sẽ để lại hậu quả lâu dài. “Doanh nghiệp đang cần giãn, hoãn nợ, miễn giảm một phần phí, bảo hiểm xã hội nhưng không nên giảm thuế VAT”- vị chuyên gia nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc tiết giảm chi tiêu, các doanh nghiệp không nên bi quan mà nên tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới để bắt đầu ngay lập tức.
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô