Thực trạng dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công bị dở dang suốt nhiều năm liên tục xảy ra tràn lan ở Nghệ An đang là câu chuyện gây nhức nhối kéo dài trong dư luận lẫn nghị trường khi hướng giải quyết lại rơi vào vòng loay hoay, bí bách.
Nhà thầu rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”
Từ năm 2008, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án xây dựng đường N2 trên địa bàn xã Diễn Lộc và Diễn Thọ huyện Diễn Châu có dài 5,6km Bnền=56 m, Bmặt=2x15 m với tổng mức đầu tư ban đầu 377 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 405 tỉ đồng.
Trong đó chi phí xây dựng hơn 306 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) tái định cư hơn 47 tỷ đồng; chi phí dự phòng 37 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 3,3 tỷ…do Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An làm chủ đầu tư, Công ty xây dựng Xuân Trường trúng thầu thi công.
Đây là công trình dự án xây dựng hạ tầng giao thông được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công để tạo “bước đệm” cho tỉnh Nghệ An tập trung thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) Thọ Lộc với quy mô 1.159,71 ha.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 được khởi công từ tháng 12/2009 và hoàn thành vào tháng 8/2011. Dự kiến giai đoạn II sẽ khảo sát thiết kế xây dựng cầu vượt đường bộ qua đường sắt Bắc - Nam và đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Vậy nhưng, khi nhà thầu thi công được thảm bê tông nhựa hạt trung và được giải ngân 273/405 tỷ đồng rồi bỏ dở dang công trình dự án suốt gần 10 năm nay do thiếu vốn.
Còn tại huyện Thanh Chương, dự án tái định cư làng chài Khe Mừ trên địa bàn xã Thanh Thuỷ dù đã triển khai hơn 10 năm, nguồn vốn giải ngân được hơn 70 tỷ đồng (gần 82% tổng mức đầu tư) nhưng đến nay vẫn đang dang dở.
Công trình dự án thi công đường cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương thi công dở dang nhiều năm nay không thể hoàn thành do chủ đầu tư chưa bố trí nguồn vốn để nhà thầu tiếp tục thực hiện |
Được biết, dự án này do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An) làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn phê duyệt vào năm 2009 hơn 86 tỷ đồng. Năm 2010, dự án được chính thức khởi công xây dựng và dự án vào năm 2011 sẽ tiến hành bàn giao nhà ở, đất đai sản xuất cho 120 hộ dân vào sinh sống tại vùng Khe Mừ, xã Thanh Thủy và 45 hộ vùng đập Triều Dương, xã Thanh Lâm.
Vậy nhưng, tròn 10 năm nay, dự án này vẫn rơi vào cảnh dở dang, nhiều hạng mục công trình như nhà trẻ, nhà văn hoá cộng đồng…đang có nguy cơ xuống cấp, trở thành nơi chăn thả gia súc, gia cầm của người dân.
Được biết, dự án tái định cư làng chài Khe Mừ mới chỉ là 1 trong tổng số 19 dự án cấp bách phải di dời, tái định cư cho người dân với kế hoạch phân bố nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng đến nay rơi vào cảnh dang dở, tràn lan trên dưới 10 năm nay tại Nghệ An.
Ai chịu trách nhiệm?
Tập trung kiến thiết hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp để nâng cao chỉ số phát triển, cải thiện tốc độ tăng trưởng của địa phương trên mọi phương diện. Nhưng tình trạng dự báo, thẩm định kế hoạch xây dựng dự án, phương pháp phân bổ nguồn vốn thiếu khả thi hoặc tư duy theo kiểu có đến đâu, làm tới đó…đang khiến nhiều dự án sử dụng ngân sách đầu tư công rơi vào cảnh dở dang kéo dài.
Câu chuyện về những dự án có nguồn vốn đầu tư công hàng trăm tỷ nói trên ở Nghệ An suốt thời gian dài không thể thi công, hoàn thiện công trình để đưa vào sử dụng đang trở thành vấn đề được cử tri, người dân quan tâm. Thực trạng này cũng đang trở thành các bản nhạc phát triển kinh tế - xã hội lỗi nhịp, gây cản trở tới tình hình đời sống xã hội của từng địa phương.
Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc phê duyệt thẩm định tính khả thi của dự án để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phân bổ nguồn vốn đầu tư? Và, trước khi đưa dự án vào triển khai, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập dự án…đã tính toán hết được các phương án phân bổ nguồn vốn như thế nào hay vẫn mãi là bài ca theo điệp khúc: Do cơ chế, chính sách thay đổi theo từng phân kỳ?
Thực trạng thi công dở dang rồi phải dừng lại hàng chục năm trời do nguồn vốn đầu tư công không thể tiếp tục bố trí cũng khiến cho nhiều nhà thầu rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi khi rơi vào tình trạng này, nhiều nhà thầu đã bỏ không ít tiền bạc, vốn đi vay để đẩy nhanh tiến độ nhưng khi chốt khối lượng hoàn thành lại không được thanh toán vì chủ đầu tư trả lời chưa bố trí được nguồn vốn.
Công trình đường N2 nối vào KCN Thọ Lộc, huyện Diễn Châu cũng không thể hoàn thiện vì thiếu vốn |
Ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó Tổng giám đốc Công ty CP VILACONIC cho biết, vào năm 2011 đơn vị đã trúng thầu thi công dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An với tổng mức đầu tư gần 44 tỷ đồng.
“Đây thuộc dự án cấp bách phòng chống thiên tai của địa phương nên đơn vị thi công đã khẩn trương triển khai, thậm chí cho chủ đầu tư là UBND huyện Đô Lương tạm ứng hàng trăm triệu đồng để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến năm 2013, khi dự án công trình của chúng tôi đã thi công vượt quá khối lượng gần 10 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư vẫn không bố trí nguồn vốn giải ngân kịp thời. Đến nay, số tiền mà chủ đầu tư nợ nhà thầu vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An bố trí, phân bổ để nhà thầu tiếp tục thi công, hoàn thành dự án” – ông Nguyễn Hữu Duyên cho biết.
Trước vấn đề chậm bố trí nguồn vốn đầu tư công để giải ngân cho các công trình, dự án, khi được hỏi đại diện một chủ đầu tư và các Sở, ngành liên quan của tỉnh Nghệ An, chúng tôi đều nhận được câu trả lời có mẫu số chung là do ngân sách khó khăn rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Cuối quý III năm 2021, khi trả lời về vấn đề liên quan đến một số công trình dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công chậm giải ngân, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết thời gian tới sẽ bố trí phân bổ đầu kỳ giai đoạn 2021-2025. Vậy nhưng, đến nay gần hết quý IV năm 2021, khi được hỏi, một số nhà thầu thi công vẫn ngán ngẩm thông tin lại rằng chưa nhận được văn bản phát đi của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc tiếp tục bố trí vốn ngân sách để khởi động trở lại các công trình dự án đang dang dở.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn