Tin trong tỉnh

Dự án tạm ngừng thi công vì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Dự án quần thể khu vui chơi, giải trí và du lịch ven sông Lam tại phường Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An) đã được Sở Xây dựng Nghệ An cấp Giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư dự án đang triển khai xây dựng các hạng mục công trình đã được phê duyệt thì bị Chi cục Thủy lợi Nghệ An lập biên bản đình chỉ vì vi phạm Luật Đê điều?!

Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, Dự án quần thể khu vui chơi, giải trí và du lịch ven sông Lam tại phường Bến Thủy, TP Vinh đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 tại Quyết định 386 ngày 24/1/2017; Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 53 ngày 7/1/2020; dự án được Sở TN&MT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CH537629 ngày 17/10/2017. Tiếp đó, ngày 7/7/2021, UBND Nghệ An có Quyết định 2339 về điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.

Dự án đang thi công thì bị đình chỉ.

Dự án sau đó được Sở Xây dựng Nghệ An cấp Giấy phép xây dựng số 74 ngày 16/8/2021 cho Công ty CP Đầu tư & Phát triển Vinh Hưng (địa chỉ khối 5, phường Bến Thủy, TP Vinh) với tổng diện tích 13.713,8m2, trong đó công trình xây dựng cao hai tầng có diện tích 1.639,1m2 tại vị trí đê tả Lam thuộc khối 5, phường Bến Thủy. Như vậy, về mặt thủ tục pháp lý thì khi Sở Xây dựng Nghệ An cấp Giấy phép xây dựng là dự án đã đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành xây dựng.

Tuy nhiên, quá trình chủ đầu tư thực hiện việc xây dựng dự án thì bị Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Nghệ An) lập biên bản đình chỉ vì vi phạm Luật Đê điều. Cụ thể, ngày 25/11/2021, Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Hạt Quản lý đê Vinh phát hiện và lập biên bản về việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực đê điều và thiên tai trong đó ghi rõ: Công trình do Công ty CP Đầu tư & Phát triển Vinh Hưng đã có hành vi vi phạm xây dựng công trình trên bãi sông, vi phạm Điều 26 Luật Đê điều, Điều 21 Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017. Đồng thời đình chỉ xây dựng công trình do xây dựng trái phép trên bãi sông, buộc chủ đầu tư khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Sau khi bị lập biên bản đình chỉ, chủ đầu tư dự án vẫn tiếp tục triển khai xây dựng. Ngày 1/12/2021, Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Hạt Quản lý đê Vinh và đại diện chính quyền địa phương phường Bến Thủy tiếp tục lập biên bản với dự án trên.

Quan sát của phóng viên cho thấy, dự án được che chắn bằng hàng rào tôn xung quanh, hiện đã triển khai xây dựng phần móng của một hạng mục công trình ở góc phía Tây Nam, có diện tích ước đoán khoảng trên 1.000m2. Trong khuôn viên dự án đang tập kết nhiều vật liệu và được che đậy bằng bạt nilon, tại một số vị trí đã được rải sắt chuẩn bị đổ bê tông nhưng do phơi sương lâu ngày, sắt thép hoen gỉ...

Tìm hiểu hồ sơ pháp lý dự án được biết, trước đó, ngày 3/8/2021, ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An đã có Văn bản số 2804/SNN-CCTL gửi cho UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: “Khu vực đề xuất xây dựng dự án nằm phía ngoài tuyến đê Tả Lam hiện tại và nằm phía trong tuyến đê Tả Lam cũ, không ngập nước trong mùa lũ, không phải là bãi sông theo quy định của Luật Đê điều nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 26 của Luật Đê điều. Ngoài ra, việc xây dựng dự án sẽ không ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ sông Lam”. Vậy nhưng, khi dự án triển khai thì Chi cục Thủy lợi là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Nghệ An lại ra Quyết định đình chỉ dự án?!

Trả lời báo chí về sự việc trên, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An khẳng định: “Những nội dung trong Văn bản số 2804 do Giám đốc Sở NN&PTNT ký gửi UBND tỉnh và lý do đình chỉ dự án là không mâu thuẫn nhau”. Ông Thành lý giải, sông Lam là sông liên tỉnh, thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đoạn đê thực hiện dự án là đê cấp II - Đê đặc biệt quan trọng. Tất cả mọi hoạt động liên quan đến lòng sông, bãi sông và hành lang bảo vệ đê đều phải xin ý kiến của Bộ NN&PTNT. Trong Công văn 2804 mà Chi cục Thủy lợi tham mưu cho Giám đốc Sở ký gửi UBND tỉnh không phải là khẳng định, mà chỉ là kiến nghị.

Cũng theo lời ông Thành, tại văn bản trên Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị với Tổng cục Phòng, chống thiên tai xem xét, giải quyết đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Điều 26. Cấp phép như thế nào thì tôi không biết, nhưng xây dựng trong lòng sông mà không có sự cho phép của Bộ NN&PTNT thì chúng tôi đình chỉ, ông Thành khẳng định.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu chúng tôi thấy rằng, Chi cục Thủy lợi Nghệ An là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Nghệ An được giao nhiệm vụ quản lý đê điều, là đơn vị tham mưu trực tiếp cho Giám đốc Sở nhưng lại ban hành một văn bản “tiền hậu bất nhất”, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và doanh nghiệp.

Tác giả: Trần Thắng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP