Một sự kiện giới thiệu đặc sản cam Vinh tại Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Thay vì tổ chức tuần lễ cam như những năm trước, năm nay Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) ứng dụng nền tảng công nghệ số để đưa đặc sản cam Vinh lên sàn thương mại điện tử theo phương thức trực tuyến.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Từ tháng 10 đến tháng Hai là thời điểm vào mùa thu hoạch sản phẩm cam của tỉnh Nghệ An.
Đây là loại nông sản chủ lực của các huyện Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Yên Thành, Nghi Lộc được người tiêu dùng ưa chuộng, do đó sản lượng tiêu thụ qua kênh phân phối truyền thống rất cao.
Những năm trước đây, sản phẩm cam Vinh được phân phối theo phương thức truyền thống qua hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, các chợ đầu mối, qua các doanh nghiệp đầu mối thu mua, các chuỗi cửa hàng nông sản.
Tuy nhiên, vụ năm nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số thị trường tiêu thụ lớn của cam Vinh như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ.
Cụ thể, thời điểm này so với năm ngoái bắt đầu vào mùa, lượng lớn sản lượng cam ở các địa phương chưa được các thương lái, doanh nghiệp đặt hàng thu mua như mọi năm.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm cam Vinh, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, cho biết nhằm mở rộng kênh tiêu thụ mới tại thị trường nội địa ngoài kênh bán hàng truyền thống vốn có, Trung tâm đang nỗ lực tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh mở rộng thêm kênh phân phối qua thương mại điện tử và môi trường số.
Trung tâm đã và đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tại các địa phương tiếp cận với thương mại điện tử.
Thông qua kết nối đó, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart sẽ triển khai ký kết với các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các địa phương trồng cam để sớm đưa sản phẩm cam Vinh của địa phương lên sàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng cả nước.
Cam Vinh Kỳ Yến là thương hiệu cam Vinh được đăng ký sở hữu trí tuệ, tiến hành canh tác cam theo quy trình VietGAP của Công ty cổ phần Nông nghiệp Sinh thái ECOVI. Đây cũng là trang trại thí điểm xây dựng mô hình làng du lịch cam sinh thái đầu tiên tại Nghệ An.
Không chỉ dừng lại ở kênh bán hàng thông qua trang Facebook Cam Vinh Kỳ Yến, giờ đây công ty đã chuẩn bị nhân sự cũng như hệ thống kho bãi ở Hà Nội, Đà Nẵng cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng hệ thống bán sản phẩm trên toàn quốc để đưa sản phẩm Cam Vinh Kỳ Yến lên sàng thương mại điện tử.
Với diện tích 50ha trồng cam như hiện có, dự kiến sản lượng thu hoạch năm nay của Công ty đạt 200-300 tấn; trong đó, sẽ có 100 tấn cam được đưa lên sàn thương mại điện tử.
"Sau khi sản phẩm Cam Vinh Kỳ Yến lên sàn thương mại điện tử có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và đó là những nhà đánh giá chính xác nhất chất lượng sản phẩm của họ. Từ đó, sản phẩm của Cam Vinh tiếp cận thị trường dễ dàng và thương hiệu có khả năng lan tỏa rộng hơn,” chị Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Sinh thái ECOVI, hy vọng.
Thương hiệu Cam Thiên Sơn, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành đã có 12 năm thu hoạch và sản xuất theo quy trình sản xuất cam sạch VietGAP, chất lượng nổi trội với vị ngọt thơm của cam Xã Đoài, mỗi năm sản lượng cam đạt 300-400 tấn.
Sau khi đạt chứng chỉ GLOBALGAP (tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu) trang trại cam Thiên Sơn đang đưa cam vào hệ thống siêu thị AEON với mức tiêu thụ 30 tấn cam/năm.
Vào vụ năm nay, Trang trại cam Thiên Sơn đang xúc tiến mở rộng thị trường sang các nước EU tiêu thụ.
“Hiện chúng tôi đang trồng 58 ha cam Xã Đoài giống tốt nhất tại thôn Thung Bừng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông theo công nghệ Nhật Bản và cam đang phát triển tốt, năm sau sẽ cho thu hoạch. Dự kiến đến năm 2025, chỉ riêng vùng cam này sẽ cho thu hoạch lên 2.500 tấn cam. Vì vậy, kết nối sản phẩm cam đưa lên sàn thương mại điện tử rất được doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng kỳ vọng,” ông Trịnh Xuân Giáo, chủ trang trại Cam Thiên Sơn, cho biết.
Xu thế tất yếu
Cùng với thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến (huyện Quỳ Hợp), cam Thiên Sơn (huyện Yên Thành và Con Cuông), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Nghệ An còn lựa chọn các sản phẩm cam Nghĩa Đàn, cam Xã Đoài (huyện Nghi Lộc) kết nối đưa lên sàn thương mại điện tử.
Dự kiến năm 2021, sản phẩm cam lên sàn thương mại điện tử từ 1.200-1.500 tấn/3.000 tấn.
(Nguồn: Báo Nghệ An) |
Cam Vinh là đặc sản của người dân Nghệ An, là loại quả quý, quả to tròn đạt chất lượng vượt trội, có vị ngọt thơm đặc trưng, vàng ươm, các tép mọng nước giòn tan, chua thanh dịu nhẹ.
Hầu hết các sản phẩm cam Vinh được lựa chọn từ các hợp tác xã nhà vườn, hộ dân, doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử đều là sản phẩm đạt chất lượng tốt theo tiêu chuẩn VietGAP; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như các loại chứng nhận chất lượng.
Những năm gần đây, người trồng cam Vinh gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật canh tác, sản phẩm cam bị hư hại nhiều, sản lượng để đạt chuẩn không được nhiều như trước đây và luôn rơi vào tình trạng mất giá ngay tại vườn.
Việc đưa sản phẩm cam Vinh lên sàn thương mại điện tử sẽ cung cấp thông tin đầy đủ và nhanh nhất đến người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng yên tâm về mặt chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, bên cạnh đó người nông dân được cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Song song với đưa sản phẩm cam Vinh lên sàn thương mại điện tử, đưa vào hệ thống các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi thông minh, Nghệ An còn mở ra các điểm bán hàng an toàn phòng dịch lưu động tại một số tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An với chất lượng sản phẩm như nhau nhưng giá cả ngang với chợ và thấp hơn siêu thị.
Trung tâm cũng nghiên cứu thành lập các tổ, nhóm giữa các đơn vị tiêu thụ, người dân sản xuất với các đơn vị vận tải để tạo đầu mối và mối liên kết để giúp bà con tiêu thụ, vận chuyển sản phẩm cam Vinh.
Bên cạnh đó, quản lý tốt công tác cấp, sử dụng tem nhãn sản phẩm, tránh để các trường hợp sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu Cam Vinh.
“Việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại thương mại điện tử và phân phối truyền thống là giải pháp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia toàn bộ hệ thống phân phối. Ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, xu hướng đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử trực tuyến và trực tiếp được xem là xu hướng tất yếu."
"Sau sản phẩm Cam Vinh, Nghệ An cũng tiếp tục nghiên cứu để đưa một số sản phẩm nông sản OCOP khác lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng,” ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, khẳng định./.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: vietnamplus.vn