Kinh tế

Giá điện tăng: Đại biểu đặt câu hỏi "phải chăng nguồn gốc sâu xa là độc quyền"

Liên quan tới giá điện, đại biểu cho rằng, Bộ Công Thương nên nghiêm khắc rà soát, đồng thời đặt câu hỏi: "Phải chăng nguồn gốc sâu xa là độc quyền, không có cạnh tranh trong mua bán, truyền tải điện".

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Từ sáng nay (30/5), Quốc hội dành thời gian để thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt vấn đề, ngành điện có nên xem lại khi một quyết định điều chỉnh giá điện vấp nhiều phản ứng vậy.

Ông Hiếu cho rằng, Bộ Công Thương nên nghiêm khắc rà soát, đồng thời đặt câu hỏi: "phải chăng nguồn gốc sâu xa là độc quyền, không có cạnh tranh trong mua bán, truyền tải điện".

Đại biểu Nguyễn Thị Cúc (Bình Thuận) cho biết: "Vấn đề cử tri quan tâm là giá điện giá, theo cử tri tăng giá điện thời gian này không phù hợp. Mặc dù khi tăng giá điện đã tính toán và nằm trong lộ trình nhưng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra tăng giá điện có đúng không, sai thì xử lý ra sao?"

Theo đại biểu, khi tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động tăng giá tới các mặt hàng vật tư, nguyên liệu, gây bức xúc cho người dân nên Chính phủ cần phòng ngừa hiện tượng té nước theo mưa, theo dõi sát diễn biến thị trường, kê khai giá.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề cập đến việc giá điện tăng 8,36%, thuế môi trường với xăng cũng tăng từ 1/1/2019, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng và gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường. Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã ảnh hưởng lớn tới cung cầu, giá thực phẩm.

Nữ đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý giá các mặt hàng phải tiến dần tới thị trường, tính đúng, đủ các chi phí cấu thành. Song, bà lưu ý, thời điểm nào sẽ cho tăng giá là rất quan trọng, bởi ảnh hưởng tới lạm phát. "Chính phủ cần giải pháp để kiềm chế lạm phát", bà Yến nêu.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) thẳng thắn bày tỏ: “Tôi và cử tri quan tâm không phải đúng quy định không vì Chính phủ đã làm thì không thể không đúng quy định. Điều quan tâm là tăng giá điện ảnh hưởng thế nào tới nhân dân”.
"Bởi tăng giá điện thì làm tăng đầu vào, chi phí này kết tinh vào sản xuất, đương nhiên sẽ tính vào giá thành sản phẩm. Trong khi tiền lương không tăng thì hàng loạt chi phí thiết yếu tăng sẽ ảnh hưởng thế nào tới đời sống người dân, chỉ số lạm phát?”, ông nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ sớm kiểm toán giá điện để công khai cho nhân dân biết.

Trước đó, trong phần thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về diễn biến của giá dầu và việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay (dưới 4%).

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ bày tỏ băn khoăn với việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20/3 hoặc không đồng tình về cách tính giá điện theo thang 6 bậc hiện nay mà Bộ Công Thương áp dụng.

Một số đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh giá điện rơi vào thời điểm khí hậu nóng khiến người dân cùng lúc chịu nhiều áp lực: Một là giá điện tăng 8,36%, hai là điện sử dụng nhiều hơn, ba là bậc thang tính giá điện sinh hoạt, dùng càng nhiều giá điện càng cao.

Liên quan tới giá điện, trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội trước đó, Chính phủ khẳng định, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3 và cả năm nhằm đảm bảo CPI 2019 trong khoảng 3,3-3,9% (thấp hơn mức 4% chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua).

Về việc thay đổi thang bậc tính giá điện, Chính phủ cho rằng điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Bậc giá nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các nhà kinh tế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện.

Cơ quan này cũng sẽ đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt tác động đến các nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ chính sách, hộ nghèo theo quy định.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP