Nhiều trang trại nuôi gà ở miền Đông Nam bộ - thủ phủ chăn nuôi của cả nước đang khóc ròng vì giá gà rớt thê thảm và khó bán.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, nhẩm tính: Các trang trại Đông Nam bộ đang nuôi khoảng 3 triệu con gà. Với mức lỗ cao nhất khoảng 10.000 đồng/kg, tính trung bình mỗi con gà xuất bán có trọng lượng 3 kg, người nuôi lỗ 30.000 đồng/con. Như vậy mỗi lứa gà, người chăn nuôi gà lỗ 90 tỉ đồng và một tháng ngành chăn nuôi gà Đông Nam bộ lỗ khoảng 360 tỉ đồng.
Nuôi một con gà lỗ 40.000 đồng
Dù giá gà cập nhật đến ngày 19-9 có nhích nhẹ nhưng nhiều trang trại chăn nuôi tại các tỉnh miền Đông Nam bộ vẫn cho biết người nuôi đang lỗ nặng nề. Ông Sang, chủ trại gà ở Đồng Nai, than thở giá gà công nghiệp lông trắng hiện được thương lái thu mua với giá chỉ khoảng 14.000-15.000 đồng/kg, người nuôi lỗ khoảng 7.000-8.000 đồng/kg. Với trọng lượng tối đa đủ chuẩn của một con gà xuất bán là 2,5 kg, tính ra mỗi con gà người nuôi lỗ tới 17.500-20.000 đồng.
“Đáng nói là giá bán 15.000 đồng/kg nhưng các trang trại lại không bán được mà chỉ bán được loại gà quá khổ, trọng lượng 3-4 kg/con với mức giá bèo bọt 11.000-12.000 đồng/kg. Như vậy, so với giá thành người nuôi gà lỗ 10.000 đồng/kg, tính ra mỗi con gà lỗ 30.000-40.000 đồng” - anh Sang buồn rầu.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trang trại tại Bình Phước, cho hay quy mô nhỏ nhất của một trại gà khoảng 80.000 con/lứa, trại lớn nhất khoảng 400.000 con/lứa. Với mức lỗ tới 10.000 đồng/kg hoặc lỗ 30.000-40.000 đồng/con (loại gà nặng 3-4 kg) thì mỗi trang trại quy mô nhỏ lỗ 2,4-3,2 tỉ đồng/lứa gà, trại quy mô lớn lỗ tới 12-16 tỉ đồng/lứa gà.
Không chỉ gà công nghiệp lông trắng mà gà thả vườn lông màu cũng chung cảnh thua lỗ vì giá giảm. Ví dụ, giá gà lông màu chỉ còn 30.000 đồng/kg, tính ra người nuôi lỗ khoảng 5.000 đồng/kg.
Dù giá gà bán tại các trang trại rớt thê thảm (ảnh lớn) nhưng giá gà bán lẻ trên thị trường (ảnh nhỏ) không hề giảm. Ảnh: QH - TU |
Lo phá sản hàng loạt
Vì sao giá gà lao dốc? Đại diện Công ty Gà Bình Minh cho rằng giá gà hơi rớt giá một phần do gà nhập khẩu nhiều, rẻ chỉ gần bằng một nửa so với gà trong nước. Hơn nữa, do nhiều hộ bị dịch tả heo châu Phi chuyển sang nuôi gà khiến cung vượt cầu dẫn đến chuyện rớt giá.
Mặt khác, nhiều người nuôi heo chuyển sang nuôi gà không có kinh nghiệm nên mua con giống trôi nổi. “Khi mua phải giống không đạt chuẩn, cho ra gà không đạt chất lượng. Vì vậy, gà này không thích hợp cho những doanh nghiệp mua gà lông mà chỉ những cơ sở giết mổ mới mua vì trọng lượng lớn, giá rẻ” - đại diện Công ty Bình Minh giải thích thêm.
Vì đâu nên nỗi
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, phân tích có nhiều lý do khiến giá gà rớt mạnh. Ví dụ, năm nay người dân tăng số lượng nuôi nên nguồn cung nhiều, giá vì thế đi xuống. “Thêm nữa, gà và các loại thịt khác được nhập về ồ ạt, giá rẻ với số lượng lớn trong vài tháng khiến nguồn cung thịt tăng đột biến, đẩy giá thịt gà nội xuống thê thảm như vậy” - ông Quyết phân tích.
Quản lý nhà nước được cho là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung thịt gà “khủng hoảng” thừa. “Ví dụ, hiện nay dù có dịch tả heo châu Phi nhưng lượng thịt heo, gà, vịt… trong nước vẫn đảm bảo nguồn cung thì cần kiểm soát thịt nhập. Lượng thịt nhập phải phân bổ có lộ trình, thời gian chứ không nên cho nhập ồ ạt, số lượng lớn về cùng thời điểm trong nước đang thừa mứa” - ông Quyết góp ý.
Thịt gà nhập giá chỉ 17.000 đồng/kg Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 62.400 tấn thịt gà đông lạnh từ Mỹ với bốn loại gồm cánh gà, đùi gà, thịt gà xay và chân gà. Tính trung bình mỗi ký cánh gà, đùi gà đông lạnh về Việt Nam có giá nhập lần lượt là 16.428 đồng và 17.470 đồng. |
Đồng quan điểm, chuyên gia chăn nuôi Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến giá gà rớt thê thảm là thịt nhập khẩu về quá nhiều. Nửa đầu năm nay, lượng thịt nhập tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không kiểm soát khối lượng thịt nhập khẩu, giá rẻ thì ngành chăn nuôi chỉ có nước phá sản, chết dần ngay trên sân nhà.
Ông Ngọc cũng chỉ ra một nghịch lý là hiện nay ngành chăn nuôi trong nước phải trích xuất nguồn gốc từ khi con giống, xuất bán, giết mổ cho tới khi ra chợ nhưng với thịt nhập khẩu lại lỏng lẻo. Do vậy, Nhà nước cần kiểm tra, bắt buộc truy xuất nguồn gốc thịt nhập khẩu nhằm kiểm tra chất lượng, chặn hàng cận, hết đát, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời cũng chống bán phá giá, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.
Tuy vậy, một chuyên gia cho rằng dù có nhiều nguyên nhân khiến giá gà rớt, đẩy rất nhiều người nuôi gà vào tình trạng lao đao nhưng lý do không chỉ đến từ thị trường. “Tôi khẳng định nếu chăn nuôi theo chuỗi liên kết thì dù giá gà có rẻ hơn nữa thì người chăn nuôi vẫn có thể sống khỏe. Những trang trại chăn nuôi gà liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm sẽ không bị ảnh hưởng vì họ nuôi theo hợp đồng, giá ổn định, đầu ra bảo đảm” - vị chyên gia này quả quyết.
Gà bán tại vườn 11.000 đồng, tại chợ 65.000 đồng/kg Không chỉ gà công nghiệp mà gà tam hoàng, gà ta, gà lai Đông Tảo… bán tại nhà nông dân cũng đang rớt giá mạnh, thậm chí còn thấp hơn giá một số loại rau. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM như Bà Chiểu, Thị Nghè, Hoàng Hoa Thám cho thấy giá gà vẫn không giảm. Đây cũng là một phần nguyên nhân không kích cầu được nhu cầu tiêu dùng, khiến gà tồn trong các trang trại tăng cao. Theo đó, giá gà ta tại các chợ dao động 100.000-120.000 đồng/kg, gà công nghiệp 60.000-65.000 đồng/kg... Anh Hùng, một người bán gà làm sẵn tại chợ Bà Chiểu, nói: “Tôi không nghe nói gì về giá gà hơi giảm một nửa so với trước đây. Hiện tôi vẫn mua loại gà này với giá 80.000-90.000 đồng/kg, sau đó về làm sạch thì phải tính công, cộng với chi phí vận chuyển… nên bán ra giá 110.000 đồng/kg. Không có lý do gì để tôi bán giá rẻ hơn”. Vì sao giá của người chăn nuôi giảm một nửa nhưng giá bán lẻ người tiêu dùng không giảm? Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân do qua nhiều khâu trung gian. Đại diện một siêu thị tại TP.HCM giải thích thêm, các nhà cung cấp của các hệ thống siêu thị đã ký hợp đồng bao tiêu với hộ nuôi hoặc tự nuôi theo quy trình khép kín nên không thể giảm giá theo các hộ nuôi tự phát. Điều này nhằm đảm bảo ổn định chi phí cho những người chăn nuôi tham gia trong chuỗi cung ứng. |
Tác giả: Quang Huy
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM