Giáo dục

Giảm áp lực cho cán bộ coi thi tốt nghiệp THPT

Dự thảo sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT nhận được nhiều ý kiến đồng tình, đặc biệt liên quan đến mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Ảnh minh họa/ITN.

Nhận định về sửa đổi này, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long - Bộ GD&ĐT đã cầu thị và lắng nghe khó khăn từ địa phương.

“Bản thân tôi rất đồng tình vì thay đổi này giúp phòng tránh gian lận trong thi cử và giảm bớt áp lực cho các Hội đồng thi. Thực tế, cán bộ coi thi rất khó để xác định chính xác thiết bị có các tính năng được phép mang vào phòng thi, nhất là khi thiết bị công nghệ cao ngày càng tinh vi”.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long chia sẻ, đồng thời cho rằng thí sinh không được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình không ảnh hưởng đến tính nghiêm túc trong thực hiện các quy định tại phòng thi. Trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy trình coi thi được quy định cụ thể và chặt chẽ nên việc gian lận trong thi cử rất khó để xảy ra.

Ngoài ra, việc thay vì cho thí sinh rời khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian tự luận, sẽ yêu cầu thí sinh ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi cũng là phù hợp. Thí sinh vẫn phải nộp lại bài kèm đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng và di chuyển đến phòng chờ. Việc này góp phần phòng ngừa lọt lộ đề thi, nhờ giải đề hộ... do thí sinh được ra ngoài khu vực thi, tăng tính nghiêm túc và bảo mật của kỳ thi.

“Bên cạnh đó, việc quy định thêm về đăng ký dự thi trực tuyến tôi cho rằng cũng cần thiết, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, tiết kiệm nhiều thời gian, giảm chi phí, tăng tính trách nhiệm, tự giác của học sinh và các nhà trường. Vĩnh Long đã triển khai thuận lợi cách làm này từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà thông tin.

Nghiên cứu dự thảo Quy chế, ThS. Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng nhận định Bộ GD&ĐT chỉ có một số thay đổi nhỏ, chủ yếu chỉ mang tính kỹ thuật. Điều này rất thuận lợi cho thí sinh lớp 12 yên tâm học tập và tham gia tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Một trong số các thay đổi được nhắc đến nhiều là việc các thiết bị ghi âm, ghi hình (không có chức năng truyền tin) không được mang vào phòng thi.

“Thực tế triển khai những năm qua, hầu như không có thí sinh mang các thiết bị như vậy vào phòng thi. Quy định này trong dự thảo giúp thí sinh tập trung vào việc thi tốt hơn. Bên cạnh đó còn giảm tải cho đội ngũ cán bộ tổ chức và coi thi vì rất khó phân biệt thiết bị đủ điều kiện mang vào phòng thi”, ThS Nguyễn Vinh San cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cũng bày tỏ đồng tình với dự thảo sửa đổi nói trên. Lý do, việc thí sinh được mang các thiết bị này có tính hai mặt, rất khó khăn cho công tác quản lý.

“Trường ĐH hiện vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh nên rất quan tâm đến tính nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi này. Những nội dung trong dự thảo hướng tới quy định chặt chẽ hơn, ví dụ tăng tính trách nhiệm của các thành viên tham gia kỳ thi, tăng tính chặt chẽ trong quy trình tổ chức thi, trang thiết bị cho kỳ thi… Tôi ủng hộ những sửa đổi này”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương chia sẻ.

Từ thực tế triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cùng chung nhận định: Việc không cho thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình là hợp lý. Bởi thực tế cán bộ coi thi là giáo viên rất khó kiểm soát các chức năng khác của thiết bị.

“Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Thông tư chủ yếu tăng tính kỹ thuật bảo đảm kỳ thi tổ chức an toàn, đúng quy chế. Một số nội dung làm rõ, dễ hiểu và thực hiện hơn so với quy định cũ”, ông Phùng Quốc Lập chia sẻ.

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP