Một mẫu lan đột biến có giá tiền tỉ. ẢNH: Đ.N.T |
Giữa tháng 8.2020, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có công văn gửi tới lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương về việc khuyến cáo mua bán hoa lan đột biến. Theo đó, hiện nay trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng đang bàn tán xôn xao về giá trị của giống hoa lan đột biến, trong đó có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận. Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với người chơi sinh vật cảnh trên cả nước, các địa phương cần khuyến cáo hội viên cẩn trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán, trao đổi về chủng loại lan VAR này. Thế nhưng từ đó đến nay gần 1 năm trôi qua, nhiều cơ quan quản lý khác cũng không có động thái nào tiếp theo.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo người tiêu dùng. Thực tế, một số phản ánh cho thấy nhiều trường hợp không có giao dịch mua bán thực sự, chỉ giao dịch ảo và đây là chiêu trò đánh bóng tên tuổi của các đối tượng tham gia trong cuộc giao dịch mua bán kiểu này. Cách thổi giá đã “đánh” vào lòng tham của người mua, đưa những mức chênh lệnh giá sau mua bán quá lớn, gây kích thích người mua sau cao hơn người mua trước và cứ thế tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng khi không có người mua nữa thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ bị thiệt hại lớn vì sản phẩm không còn tương xứng với giá trị thực tế nữa. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã có cảnh báo từ rất sớm và khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính.
Cho rằng những phi vụ giao dịch lan VAR được Thanh Niên phản ánh vừa qua đều chưa được kiểm chứng và trong đó thông tin ảo, lừa đảo là chính, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, khẳng định không có hoa kiểng nào mà giá trị được đẩy lên vài chục tỉ đồng như thông tin về lan VAR vừa qua. Những cá nhân đã dùng hình thức lan truyền thông tin trên mạng để thúc đẩy tâm lý đám đông. Thậm chí có những người lấy tên các giáo sư khoa học trong nông nghiệp để hô hào mua bán, đẩy giá để trục lợi. Việc này mang tính lừa đảo. Do lan VAR không nằm trong danh mục giống do nhà nước quản lý nên các trung tâm quản lý và kiểm định giống cây trồng vật nuôi ở các tỉnh thành không vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên việc này cần phải được cơ quan quản lý về thương mại như công thương vào cuộc kiểm tra, tìm hiểu thực hư để đưa ra cảnh báo mạnh mẽ hơn, phòng ngừa những vụ lừa đảo phát sinh hoặc sau này có thể diễn ra với nhiều sản phẩm, dịch vụ khác.
“Tôi rất ngạc nhiên vì thời gian thông tin về giao dịch lan VAR tiền tỉ này kéo dài gần 2 năm nhưng không thấy cơ quan quản lý nào kiểm tra, xác thực đúng hay không. Tôi biết cũng có một số giao dịch nhưng giá trị còn thấp. Còn những phi vụ tiền tỉ thì chủ yếu là thổi giá”, GS-TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị, nhận định vụ mua bán lan đột biến có dấu hiệu lừa đảo, bơm giá và giao dịch không thực tế. Bơm tiền vào, đẩy giá lên, kiểu kinh doanh đậm màu “đánh bóng”, chất tiền mặt thành núi, chụp hình quảng bá, tại sao cơ quan công an, thuế không vào cuộc ngay lập tức? Nếu công an và cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, thấy có chuyện sử dụng chiêu trò thổi giá là lừa đảo rồi... Hoặc giả sử việc mua bán có diễn ra thực sự thì việc đóng thuế thu nhập thế nào? Nếu trốn thuế vẫn xử lý được. Trong trường hợp này, đụng đến vấn đề nào cũng vi phạm, vì mua bán cũng có luật cạnh tranh, có phải thích thổi giá lên trên trời vẫn được đâu nếu cứ giải thích thuận mua vừa bán. Đủ lý do để bắt, không trốn thuế thì lừa đảo.
“Vấn đề quan trọng hơn, là việc mua bán lan VAR mang tính chất “đột biến” như thời gian qua đã gây xáo trộn xã hội vô cùng lớn. Những cá nhân đó đánh vào tâm lý người nghèo, ngây thơ, không hiểu biết pháp luật, bán cả vườn ruộng để tham gia với những chiêu “thủ thỉ” là nay đang khó khăn, bỏ vài triệu mua đi, bán lại cả chục triệu, có lãi ngay lập tức, hơn cả tháng tiền lương công nhân. Đang dịch Covid-19, thanh niên ở quê thất nghiệp nhiều, đánh vào tâm lý đó, cũng khiến nhiều gia đình tán gia bại sản. Đặc biệt, nhiều trường hợp dùng đòn bẩy vốn từ các nguồn vay mượn với lãi suất cao thì mức độ nguy hiểm cho người tham gia càng lớn...”, ông Hòa nói.
Tác giả: Mai Phương - Nguyên Nga
Nguồn tin: Báo Thanh niên