Giáo dục

Giáo viên hợp đồng Nghệ An mong có phụ cấp, lương thâm niên

Nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng tại Nghệ An đang nhận mức lương “khởi điểm” suốt hàng chục năm, và chỉ được “nhích” lên khi lương cơ sở tăng.

Lương cơ sở tăng sẽ cải thiện thu nhập cho cả giáo viên biên chế lẫn hợp đồng.

Công tác hàng chục năm, nhận lương "khởi điểm"

Thầy Phan Tất Tuấn (41 tuổi) là giáo viên hợp đồng môn Thể dục của Trường Tiểu học Quang Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã gần 20 năm. Nhưng đến nay, lương của thầy chỉ 1,9 triệu đồng/tháng. Nhà trường tạo điều kiện để thầy kiêm một số công việc, hoạt động khác, thì mỗi tháng cũng thêm được vài trăm nghìn đồng.

“Ban đầu, tôi cứ nghĩ mình cứ đi dạy, phấn đấu rồi sẽ được ghi nhận. Tôi cũng học lấy bằng đại học để đáp ứng chuẩn mới của giáo viên. Nhưng chờ hết năm này qua năm khác, vẫn chỉ là hợp đồng huyện”, thầy buồn bã nói.

Lương giáo viên hợp đồng của thầy Tuấn được tính bằng 85% lương khởi điểm. Từ mức 200 nghìn/tháng khi mới vào nghề, đến nay lương thầy được 1,9 triệu/tháng là do sau mỗi đợt điều chỉnh lương cơ sở tăng lên. Hai vợ chồng thầy Tuấn nhận thêm cả mẫu ruộng, mà cuộc sống vẫn chật vật. “Nguyện vọng của tôi là sớm có chỉ tiêu được tuyển vào biên chế. Nếu chưa được viên chức, thì nên tính phụ cấp, thâm niên công tác cho giáo viên hợp đồng, vì chúng tôi đã không được nâng hệ số lương, không phụ cấp…”, thầy trải lòng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Phương Minh - kế toán của Trường THCS Hồ Tông Thốc (huyện Yên Thành) sau 6 năm nhận công tác cũng đang nhận 85% lương khởi điểm. “Mong muốn của tôi là sớm được tuyển dụng vào viên chức hoặc ít nhất là được tăng lương theo năm công tác để mọi người yên tâm, gắn bó với công việc”, chị nói.

Anh Nguyễn Văn Chiến – nhân viên y tế của Trường Mầm non thị trấn Diễn Châu (Diễn Châu) bắt đầu làm nhân viên y tế trường học từ năm 2004. Sau gần 20 năm gắn bó với nghề, hiện mỗi tháng anh nhận gần 2,5 triệu tiền lương. Thấy không có cơ hội phát triển với vị trí nhân viên y tế, cách đây hơn 3 năm, anh bắt đầu học sư phạm mầm non để tìm cơ hội chuyển ngạch.

Trong thời gian này, để đảm bảo cuộc sống, anh Chiến còn xin làm thêm cho 1 phòng khám trên địa bàn huyện. Anh chia sẻ, mong muốn của mình là mức lương được tăng thêm, chứ với 2,5 triệu/tháng, chưa đủ nuôi sống bản thân và xăng xe mỗi ngày 20km từ nhà đến nơi làm việc.

Giáo viên hợp đồng tại huyện Yên Thành (Nghệ An).

Huyện Diễn Châu cũng còn 29 nhân viên hợp đồng, trong đó có 27 nhân viên y tế và 2 nhân viên kế toán. Hầu hết số này đều ký hợp đồng từ năm 2013 trở về trước và người lâu nhất cũng đã gần 20 năm.

Mức lương của họ được tính bằng lương cơ sở nhân với hệ số bằng cấp ban đầu (đại học là 2,34; cao đẳng là 2,1 và trung cấp là 1,86). Nhiều năm qua, thu nhập của họ hầu như vẫn “dẫm chân tại chỗ” hoặc tăng không đáng kể vì không phụ cấp, thâm niên, không tăng hệ số và chỉ thay đổi theo các đợt điều chỉnh lương cơ sở.

Mới đây nhân viên trong các cơ sở giáo dục tại Diễn Châu cũng đã có kiến nghị các cơ quan chức năng để được tăng phụ cấp hoặc tăng lương. Theo đó, họ bày tỏ nguyện vọng nếu chưa được vào biên chế, thì cần quan tâm đến chế độ phụ cấp, và có lương tăng thêm theo thâm niên công tác.

Chờ cơ hội tuyển vào chính thức

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu, những năm qua, việc tuyển dụng nhân viên trường học vào biên chế đang tạm dừng theo ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 2378 của Văn phòng Chính phủ về công tác y tế, tài chính kế toán trong các cơ sở giáo dục. Vì thế, nhiều nhân viên y tế, kế toán hợp đồng trên địa bàn đã học thêm trung cấp, cao đẳng mầm non để được chuyển vị trí công tác. Tuy nhiên do chỉ tiêu có hạn nên họ vẫn đang chờ cơ hội tuyển dụng.

Điểm chung của các giáo viên và nhân viên hợp đồng đều lương thấp, không được tăng lương và không có các khoản phụ cấp theo quy định. Riêng giáo viên mầm non thuộc diện 06 – 09 được hưởng lương và các phụ cấp tương đương viên chức, tuy nhiên không được xếp hạng và xét thăng hạng giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Nhung – Trường Mầm non Cửa Nam (TP. Vinh) cho biết: “Tôi vào dạy hợp đồng từ tháng 11/2006 theo Nghị định 06. Hiện mức lương của tôi là hơn 4 triệu đồng nhưng từ khi Nghị định 06 hết hiệu lực, tôi rất lo lắng cho tương lai của mình”.

Hiện các giáo viên hợp đồng 06, 09 và nhiều nhân viên trường học đã bổ sung bằng sư phạm mầm non đang chờ cơ hội tuyển dụng trong số hơn 2.800 biên chế giáo dục Bộ Nội vụ mới phân bổ cho tỉnh Nghệ An. Trong đó, nhiều nhất là mầm non với 2.164 biên chế, tiểu học 498 biên chế, THCS 142 biên chế và THPT 16 biên chế; ngoài ra, còn có nhân viên trong các trường học.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tập trung giải quyết cho hơn 1.500 giáo viên mầm non hợp đồng. Bên cạnh đó, cần quan tâm số giáo viên hợp đồng lâu năm, nhiều cống hiến cho ngành.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 1.682 giáo viên và 268 nhân viên hợp đồng. Trong số này, nhiều nhất là ở bậc mầm non với 1.521 giáo viên hợp đồng, 76 nhân viên hợp đồng; cấp tiểu học có 48 giáo viên hợp đồng và 109 nhân viên hợp đồng; cấp THCS có 113 giáo viên hợp đồng và 83 nhân viên hợp đồng.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP