Tin trong tỉnh

Gỡ “nút thắt” cho kinh tế biển Nghệ An - Bài 2: Giải quyết điểm nghẽn dự án đường ven biển

Đường ven biển là một trong những dự án được Nghệ An quan tâm để thúc đẩy kinh tế biển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chưa đồng thuận, làm ảnh hưởng dự án lớn của quốc gia.

Dự án trọng điểm phát triển kinh tế biển

Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) có tổng chiều dài 59,91km, đi qua Tx. Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Tx. Cửa Lò.

Dự án đường ven biển hoàn thành sẽ kết nối giữa các vùng kinh tế, tạo động lực để Nghệ An phát triển.

Tổng mức đầu tư của dự án là 4.651 tỷ đồng, với 3.202 tỷ đồng dành cho xây lắp, 933,6 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và 515,4 tỷ đồng cho các chi phí dự phòng khác.

Tuyến đường nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết nối vùng ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực cũng như của tỉnh Nghệ An.

Tuyến đường sẽ rút ngắn được thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế, tạo động lực quan trọng để Nghệ An trở thành trung tâm gắn kết các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Ngoài việc tạo thông thương, giảm tải cho Quốc lộ 1, tuyến đường này sẽ tạo động lực cho các huyện ven biển bứt phá. Dự án sẽ kết nối Khu kinh tế Đông Nam, cảng Cửa Lò, Cảng biển quốc tế Vissai, Cảng DKC và các khu du lịch Cửa Lò, Bãi Lữ, Vinpearl tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh Nghệ An.

Xác định là dự án trọng điểm, tỉnh Nghệ An đang tập trung nguồn lực, giao các cơ quan chức năng đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2024, trước thời hạn dự kiến.

Nhiều hộ dân tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

Mặc dù vậy, báo cáo của Ban Quản lý dự án của Sở Giao thông vận tải, tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án đến đầu tháng 8/2024 là 58,19km/59,91km, đạt 97%, còn 1,72km chưa thông.

Cụ thể, tại Tx. Hoàng Mai còn 0,1km, Quỳnh Lưu 0,55km, Diễn Châu 0,3km và nhiều nhất là tại huyện Nghi Lộc còn 0,8km.

Theo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án huyện Nghi Lộc, dự án đường ven biển đoạn qua huyện có tổng chiều dài 9,66km, đi qua 4 xã gồm Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang và Khánh Hợp.

Đến nay đã hoàn thành bàn giao mặt bằng đất nông nghiệp, di dời 97/97 lăng mộ. Đối với phần đất ở có 97 hộ, trong đó xã Nghi Quang 65 hộ, xã Nghi Yên 32 hộ. Hiện chỉ còn vướng mắc mặt bằng tại xã Nghi Quang.

Phấn đấu dự án cuối năm 2024 sẽ hoàn thành nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Ông Đậu Khắc Thân, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Quang cho biết, địa phương có 65 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng cho dự án đường ven biển. Tính đến nay, đã có 47 hộ ký hồ sơ đồng ý phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đối với 18 hộ dân còn lại thì có 4 hộ đã phê duyệt, chưa ký hồ sơ, chưa nhận tiền; 5 hộ đã có hồ sơ nhưng chưa ký và 9 hộ còn vướng mắc, chưa hoàn thiện hồ sơ.

"Địa phương đang tiếp tục đo đạc, kiểm đếm để hoàn thiện hồ sơ đối với 9 hộ còn lại theo đúng quy định của nhà nước. Địa phương sẽ quyết tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, vận động người dân hiểu và đồng thuận với các chính sách, chủ trương của Nhà nước, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án", ông Đậu Khắc Thân cho hay.

Nhanh chóng GPMB, tránh nguy cơ ảnh hưởng dự án

Đầu tháng 6/2024, kiểm tra tiến độ thi công dự án đường ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm, được Trung ương và tỉnh bố trí vốn đầy đủ, kịp thời.

Vì vậy, yêu cầu Tx. Hoàng Mai, các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc cố gắng tập trung giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6/2024. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cố gắng đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà thầu tập trung cao độ, bố trí đủ phương tiện máy móc, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh các mũi thi công dự án, cố gắng hoàn thành trước ngày 30/12/2024.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các huyện có dự án đi qua đều chưa hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến hạn cuối Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Dự án là có 8 cầu, trong đó có 5 cầu lớn là: Hoàng Mai, Lạch Quèn, Cửa Thơi, Lạch Vạn, Nghi Quang và 3 cây cầu nhỏ là: Tân Long, Kênh Nhà Lê, Nghi Tân.

Trong đó, trên địa bàn huyện Diễn Châu hiện nay đã bàn giao mặt bằng dự án đường ven biển được 24,14/24,44km, đạt 99%, chỉ còn 300m qua địa bàn xã Diễn Thành với 7 hộ dân.

Bà Hồ Thị Tâm, Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho biết, trong số 7 hộ này thì đã có 5 hộ ký hồ sơ, nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng chưa di dời và 2 hộ chưa ký hồ sơ.

Số liệu của UBND huyện Quỳnh Lưu, địa phương này đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 1.854 hộ dân bị ảnh hưởng với số tiền hơn 388 tỷ đồng. Đã bàn giao mặt bằng toàn tuyến được 15,67/16,17km, đạt 96,9%.

Trong đó, có 5/9 xã đã bàn giao 100% mặt bằng, hiện còn 3 xã chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng: xã Quỳnh Nghĩa 4 hộ; xã Quỳnh Thuận còn 2 hộ và xã Tiến Thủy còn 5 hộ. Nguyên nhân các hộ chưa bàn giao mặt bằng, chủ yếu vướng mắc về công tác bồi thường về mức độ ảnh hưởng và đường đi chung...

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, huyện phối hợp với địa phương và các cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn thiện và phê duyệt một số hồ sơ đang vướng mắc trong việc trích đo, đồng thời vận động các hộ còn lại đồng ý với phương án và bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Đối với địa bàn Tx. Hoàng Mai, hiện tại chỉ còn vướng mắc tại 2 hộ với chiều dài 0,1km. Trong đó, 1 hộ ở xã Quỳnh Lập và 1 hộ ở xã Quỳnh Lộc.

Chưa giải phóng mặt bằng dẫn đến việc thi công cầu tại Nghi Quang chưa thể hoàn thành.

Liên quan đến dự án trọng điểm này, ngày 24/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với tỉnh Nghệ An và tiến hành khảo sát thực địa tại dự án đường ven biển. Thủ tướng đánh giá cao tiến độ dự án, cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý, hàng tuần chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu cần phải giao ban hàng tuần để kiểm điểm tiến độ, chất lượng; thanh toán theo khối lượng hàng tuần để động viên kịp thời nhà thầu. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nếu gặp khó khăn, vướng mắc ngoài tầm giải quyết thì phải báo cáo kịp thời cấp trên.

Để tăng cường hơn nữa việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Định hướng, tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, phát triển bền vững.

Đón đọc: Gỡ "nút thắt" cho kinh tế biển Nghệ An - Bài 3: Ưu tiên công nghiệp ven biển

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP