Kinh tế

Gỗ Việt lấn sân phân khúc xa xỉ

Sau khi chinh phục con số 8 tỷ USD xuất khẩu, các doanh nghiệp gỗ Việt đang tiến đến phân khúc cao cấp nhất của ngành.

Tháng 10/2017, 70 công nhân Công ty CP Thiết kế Xây dựng AA (AACorporation) đã được đưa đến Caribbean để thực hiện công trình nội thất cho Park Hyatt st Kitts and Nevis - khách sạn 5 sao hàng đầu thuộc vùng biển nổi tiếng này. Cả công trình sang trọng bậc nhất thế giới ấy được doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoàn toàn. Doanh thu từ công trình trên là hơn 16 triệu USD, tương đương với một doanh nghiệp gỗ 700 người gia công sản xuất hàng xuất khẩu trong một năm.

Tiếp nối Park Hyatt st Kitts and Nevis, nội thất của khách sạn 6 sao Rosewood Phnom Penh Hotel, Cambodia còn vượt trội hơn về độ sang trọng, cũng được một doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, thực hiện. “Hiện khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, Nhật, Dubai, Singapore, Myanmar, Lào… đều có những công trình đẳng cấp tương tự mang dấu ấn của Việt Nam. Những tập đoàn điều hành khách sạn và nghỉ dưỡng 5 sao lớn trên thế giới như Starwood, Accor, IHG, Marriott, Hilton, Fairmont... đều muốn chọn doanh nghiệp Việt thiết kế và thi công các công trình cho họ”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM chia sẻ.

Công trình nội thất khách sạn Park Hyatt st Kitts and Nevis được doanh nghiệp gỗ Việt Nam thi công hoàn toàn.

Theo ông Khanh, thị trường quốc tế đang ngày càng đón nhận những công trình nội thất cao cấp của doanh nghiệp Việt Nam bởi sản phẩmđược đánh giá là đẹp, chất lượng, tinh tế và giá cả hợp lý… Ví dụ rõ nhất là việc Emirates, hãng hàng không "sang chảnh" nhất thế giới có trụ sở tại Dubai đã chọn nhà cung cấp nội thất là doanh nghiệp Việt Nam cho phòng First Class của tất cả máy bay hãng này.

Tại thị trường trong nước, những công trình lớn như Gem Center, Park Hyatt Sài Gòn, các khách sạn 5 sao… đều có sự góp mặt của doanh nghiệp trong ngành gỗ nội địa. “Doanh nghiệp gỗ Việt đã khai thác giá trị cao nhất là xuất bán cả không gian nội thất 5 sao chứ không đơn thuần chỉ gia công sản xuất hay bán sản phẩm”, ông Nguyễn Chánh Phương, giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc, đơn vị thực hiện nội thất cho trung tâm hội nghị Gem Center cùng nhiều công trình bếp sang trọng khác chia sẻ.

Theo ông Phương, việc tiến đến phân khúc cao cấp, xuất bán được không gian nội thất là một trong những chiến lược mà khá nhiều doanh nghiệp trong ngành theo đuổi những năm qua. Đây là con đường phát triển tất yếu bởi sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiện trình độ sản xuất của doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã thuộc nhóm đầu thế giới. Chỉ cần đầu tư khâu thiết kế, dịch vụ khách hàng, quảng bá thương hiệu… là có thể tham gia vào phân khúc cao cấp và được thị trường đón nhận.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Lavanto Home Décor cho rằng vấn đề quan trọng với doanh nghiệp gỗ Việt là gia tăng giá trị sản phẩm cao hơn chứ không chỉ đơn thuần là xuất khẩu vượt con số 8 tỷ USD của năm 2017. "Chúng ta không chạy theo con số tuyệt đối doanh số xuất khẩu mà cần tạo nên giá trị riêng cho mình", ông Tiến nói và cho rằng, để thực hiện được mục tiêu ấy, ngoài việc tập trung đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, doanh nghiệp cũng phải đầu tư thêm về chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống quản lý, phát triển thiết kế, bán hàng…

Thị trường đồ nội thất thế giới năm 2017 là 428 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm 2018. Đây là ngành kinh tế tiêu dùng, có thị trường lâu dài vì nhu cầu sử dụng đồ nội, ngoại thất khó thay đổi và không dừng lại. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 xuất khẩu đồ gỗ cho thế giới, sau Trung Quốc, Đức, Italy, Ba Lan.

Tác giả: Hoàng Lâm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP