Đó là phần ứng dụng “nhập điểm bằng giọng nói SpeechPoint” do 2 em Trần Khánh Điệp và Võ Thị Thùy Dung (lớp 12A1 - Trường THPT Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) cùng nhau sáng tạo, viết ra bằng ngôn ngữ lập trình Java áp dụng cho điện thoại smartphone.
Em Trần Khánh Điệp chia sẻ, khi học tập tại trường, em nhận thấy quá trình vào điểm của các thầy cô giáo mất rất nhiều thời gian và công đoạn, việc vào điểm của các thí sinh trong các kỳ thi cũng có nhiều sai sót.
Ý tưởng sáng tạo ra ứng dụng nhập điểm bằng giọng nói của Điệp và Dung mong muốn giúp giáo viên đỡ vất vả trong việc vào điểm, tăng độ chính xác. |
“Vốn đam mê công nghệ từ lâu và luôn ấp ủ làm được điều gì đó giúp các thầy cô đỡ vất vả trong việc vào điểm, chúng em đã lên ý tưởng sáng tạo ra ứng dụng nhập điểm bằng giọng nói” - Điệp chia sẻ về ý tưởng tạo ra phần mềm.
Với ý tưởng, Điệp và Dung trình bày với thầy giáo Võ Đức Ân (giáo viên dạy Tin học tại Trường THPT Nghèn) và được thầy Ân nhiệt tình hưởng ứng, trình lên Ban giám hiệu nhà trường, đăng ký là đề tài nghiên cứu sáng tạo khoa học cho các em.
Được sự nhất trí cao từ Ban giám hiệu, cả 3 thầy trò bắt đầu mày mò nghiên cứu, suốt 5 tháng trời với hàng chục lần thất bại, cuối cùng ứng dụng trên mới bắt đầu có dấu hiệu khả thi.
Để sản phẩm đi vào hoạt động, 2 em đã mày mò suốt hơn 5 tháng dưới sự hướng dẫn của thầy Võ Đức Ân. |
“Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng em gặp rất nhiều khó khăn, về mặt ngôn ngữ lập trình cho đến thiết kế phần mềm, các giao diện sao cho thuận tiện và hợp lý nhất. Khi giao diện khá ổn nhưng đưa ứng dụng vào máy thì trục trặc không chạy. Chúng em phải lần mò kiểm tra code mất nhiều thời gian, có những lúc tưởng rằng không thể thành công” - Dung chia sẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng với niềm đam mê, Điệp và Dung đã từng bước khắc phục khó khăn, đưa ra ứng dụng như ý muốn.
“Lần đầu đọc tên và điểm thử trên điện thoại thấy nó nhập vào được chúng em mừng rơi nước mắt. Vậy là ý tưởng và ước mơ của chúng em sau hơn 5 tháng mày mò đã dần trở thành hiện thực, nó tạo thêm động lực cho chúng em hoàn thiện hơn nữa về các tính năng khác” - Dung nhớ lại khoảnh khắc lần đầu ứng dụng chạy thành công.
Giao diện ứng dụng nhập điểm bằng giọng nói trên điện thoại mà 2 học sinh Trường THPT Nghèn sáng tạo. |
Nói về ứng dụng “nhập điểm bằng giọng nói SpeechPoint” Điệp cho biết, SpeechPoint là phần mềm được cài đặt trên các thiết bị smartphone, khi cài đặt xong, người dùng tiến hành chọn danh sách lớp học, học kỳ, môn học và đầu điểm, sau đó tiến hành nhập điểm bằng cách đọc toàn bộ danh sách học sinh và điểm số.
Nếu một lớp học có 45 học sinh, một giáo viên khi vào một con điểm bằng cách truyền thống thì mất cả giờ đồng hồ, nhưng khi sử dụng ứng dụng này, thời gian được rút ngắn rất nhiều, với độ chính xác cao.
Hệ thống sẽ tự động chuyển đổi từ ngôn ngữ nói sang dữ liệu bằng văn bản và đưa vào hệ thống rồi sắp xếp lại danh sách học sinh theo Aphabel.
Hai học sinh ở Hà Tĩnh sáng tạo phần mềm nhập điểm trên smartphone.
Cụ thể như sau khi giáo viên chấm điểm cho học sinh, thường sẽ xếp lại danh sách bài thi tên của học sinh theo Aphabel hoặc rà tên từng cột để vào điểm trong sổ hay danh sách điểm điện tử. Tuy nhiên, với ứng dụng SpeechPoin, giáo viên không cần phải sắp xếp gì cả mà cứ cầm các bài thi bất kỳ lên đọc tên và điểm vào điện thoại, nó sẽ tự vào điểm và xuất danh sách tên học sinh theo Aphabel ra file Excel. Từ danh sách đó, giáo viên có thể dễ dàng nhập vào các phần mềm quản lý điểm điện tử mà nhà trường sử dụng.
Với những tiện ích mà ứng “nhập điểm bằng giọng nói SpeechPoint” mang lại, mới đây, cả 2 em giành được giải Nhì Sáng tạo Khoa học kỹ thuật thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 10.
Ứng dụng nhập điểm bằng giọng nói giúp Trần Khánh Điệp và Võ Thị Thùy Dung vinh dự giành giải Nhì sáng tạo KHKT thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 10. |
Thành công ban đầu, được nhiều giáo viên ghi nhận, tuy nhiên Trần Khánh Điệp và Võ Thị Thùy Dung không dừng lại ở những gì đã làm được, cả hai em vẫn đang miệt mài phát triển thêm phần mềm.
“Chúng em mong muốn phát triển ứng dụng có thể đưa vào thực tiễn, được giáo viên hưởng ứng và sự dụng rộng rãi. Biết rằng đó là một quá trình không hề dễ dàng nhưng chúng em sẽ cố gắng hết sức mình” - Điệp và Dung chia sẻ.
Tác giả: Tiến Hiệp
Nguồn tin: Báo Dân trí