Khu “đất vàng” tại địa chỉ số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM). |
“Biến hóa” 6.000 m2 đất công sang sở hữu tư nhân
Liên tục trong thời gian ngắn mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, khởi tố nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng do liên quan sai phạm của dự án tại khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).
Cũng vụ án này, trước đó, C01 đã khởi tố đối với các bị can Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Trương
Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM) và Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM).
Như vậy, khu đất vàng đã khiến 7 quan chức cấp bộ và tỉnh bị khởi tố, truy tố. Họ đã “giúp” tư nhân thôn tính khu đất với giá rẻ như thế nào?
Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, năm 2007, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chấp thuận giao Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương) làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, vốn đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng, tại khu “đất vàng” 4 mặt tiền, khoảng 6.000 m2, tại địa chỉ số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).
Sau nhiều năm không thực hiện Dự án, tháng 2/2015, Sabeco cùng các đối tác là Công ty CP Attland, Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An và Công ty CP Đầu tư Mê Linh thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl). Trong đó, Sabeco góp 26% vốn điều lệ (18% vốn điều lệ bằng tiền mặt, 8% còn lại được tính bằng giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất), 3 cổ đông còn lại nắm 74%.
Tháng 6/2018, Sabeco thoái vốn khỏi Sabeco Pearl bằng cách bán đấu giá hơn 14 triệu cổ phần nắm giữ cho chính các cổ đông sáng lập, thu về gần 195 tỷ đồng. Sau đó, các cổ đông còn lại cũng lần lượt rút lui và hiện Dự án đã trong tay doanh nghiệp tư nhân.
Theo kết luận điều tra mới đây của Bộ Công an, dù biết khu đất đã được giao Sabeco quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng dự án và không được thành lập pháp nhân mới, nhưng ông Vũ Huy Hoàng (được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công thương năm 2007) vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Sabeco Pearl trái với quy định của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg để đầu tư dự án.
Căn cứ chỉ đạo này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco) đã ký công văn kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công thương đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư Dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl.
Từ đó, ông Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) đã tham mưu để rồi tháng 6/2015, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký quyết định cho Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng dự án. Quyết định trên trái với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với khu đất này.
Kết luận điều tra của Bộ Công an cho rằng, bằng các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nêu trên của ông Vũ Huy Hoàng, quyền sử dụng khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng bị dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân. Hành vi của ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đã gây hậu quả thiệt hại, thất thoát và lãng phí cho ngân sách nhà nước là đặc biệt lớn.
Chuyển nhượng 3,6 ha đất công không qua đấu giá
Cùng thời điểm khởi tố các bị can liên quan khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, ở vụ án khác cũng liên quan đất công, Bộ Công an đã khởi tố đối với ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó chủ tịch UBND TP.HCM); Trần Trọng Tuấn (Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM); Phan Trường Sơn (Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM); Trần Quốc Đạt (Phó trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM); Lê Tấn Hòa (chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM). Các bị can này bị khởi tố do “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH-MTV (Sagri).
Trước đó, năm 2019, C01 đã khởi tố bắt giam ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Sagri, ông Nguyễn Thành Mỹ (nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Sagri).
Tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, các cá nhân trên vướng lao lý liên quan sai phạm tại dự án khu nhà ở trên mảnh đất công hơn 3,6 ha tại phường Phước Long B (quận 9, TP.HCM). Sai phạm này đã được chỉ rõ tại Kết luận số 83 ngày 24/9/2019 của Thanh tra TP.HCM.
Cụ thể, tháng 3/2009, UBND TP.HCM chấp thuận chuyển mục đích sử dụng mặt bằng 3,6 ha tại phường Phước Long B của Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long để Sagri làm chủ đầu tư dự án khu dân cư (Dự án Khu dân cư Phong Phú).
Phức tạp hơn nếu phát hiện doanh nghiệp là đồng phạm Luật sư Bùi Phúc Thạch (Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt, TP.HCM) "Đối với Dự án tại khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng và Dự án Khu dân cư Phong Phú tại TP.HCM, quyết định khởi tố, truy tố của C01 cho thấy khả năng, “hướng” của cơ quan chức năng sẽ xác định là “tài sản hình thành do phạm tội mà có” và sẽ thu hồi lại. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đang sở hữu đất, dự án có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại mà lỗi do bên kia (bên chuyển nhượng) gây ra, nhưng sẽ khó hơn nếu cơ quan công an điều tra phát hiện doanh nghiệp là đồng phạm. Trường hợp người được “quyết” số phận công ty cổ phần bị khởi tố vì đồng phạm, mà các cổ đông ngoài chỉ góp vốn, thì lại phải xem xét, “soi chiếu” điều lệ công ty, quy trách nhiệm, quyền lợi, nhiệm vụ của từng cổ đông theo Luật Doanh nghiệp (2015) để có phương án khởi kiện phù hợp, tức là, vụ việc thêm yếu tố tranh chấp thương mại." |
Tuy nhiên, trước đó, tháng 10/2008, Sagri và Công ty Phong Phú đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh Dự án. Trong đó, vốn góp và lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: Sagri 28%, Công ty Phong Phú 72%.
Tháng 6/2016, Dự án được phê duyệt. Chỉ gần 2 tháng sau, Sagri lại ký thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng Dự án với Công ty Phong Phú. Thực chất việc chuyển nhượng này là Sagri chuyển nhượng 28% vốn góp - quyền sử dụng đất tại Dự án cho Công ty Phong Phú.
Theo Thanh tra TP.HCM, Sagri chuyển nhượng Dự án cho Công ty Phong Phú với giá hơn 10,5 triệu đồng/m2, thấp hơn giá mà công ty này huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).
C01 đã vào cuộc và xác định, việc chuyển nhượng không qua đấu giá và không thẩm định để xác định giá thị trường đối với dự án này là không đúng quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của Sagri, tháng 11/2017, ông Trần Trọng Tuấn (lúc đó là Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) đã ký tờ trình gửi UBND TP.HCM khẳng định việc chuyển nhượng Dự án đáp ứng đủ điều kiện và kiến nghị chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án.
Từ đó, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận để Sagri chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.
Tiếp tục “án binh bất động”
Đối với Dự án Khu dân cư Phong Phú, tháng 7/2019, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định chấp thuận để Sagri chuyển nhượng Dự án cho Công ty Phong Phú trước đây.
Tới nay, dự án này đang “án binh bất động”, bởi ngay trong năm 2019, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc và nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư của Sagri.
Trong khi đó, dự án hơn 6.000 m2 đất tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1), sau khi các nhà đầu tư cũ rút lui, hiện đã thuộc chủ quyền của doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh (đổi tên từ Sabeco Pearl từ tháng 10/2016). Từ năm 2018, tức từ khi ông Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố đến nay, dự án này cũng “đứng im”.
Số phận của các dự án nêu trên sẽ ra sao?
Nhìn lại tiền lệ tại TP.HCM, có thể thấy, dự án liên quan tới đất công có vi phạm tương tự, nếu xử lý “nhẹ”, thì có thể bị thu hồi và “ai giao gì, thì trả nấy”.
Điển hình là trường hợp Dự án Khu dân cư Phước Kiển do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận - doanh nghiệp 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) làm chủ đầu tư. Công ty Tân Thuận bán hơn 32 ha đất Dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai không đấu giá, thấp hơn giá thị trường, chỉ thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng, trong khi có thể thu về hơn 2.000 tỷ đồng.
Tháng 1/2020, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 2 ông Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận và Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Tân Thuận.
Sau đó Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu hủy hợp đồng, không đồng ý việc bán chỉ định và Công ty Quốc Cường Gia Lai đã phải trả lại đất.
Tác giả: Ngô Nguyên
Nguồn tin: Báo Đầu tư