Thế giới

Hé lộ thế lực giúp Trung Quốc phát triển tên lửa hạt nhân

Trong lúc Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa kho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, một câu hỏi đặt ra là: Thế lực nào đã giúp nước này phát triển công nghệ vũ khí đáng gờm đó? Một số nhà phân tích cho rằng, câu trả lời là Ukraina.

Các đơn vị tên lửa chiến lược của Trung Quốc tham gia một cuộc diễu binh qua quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ảnh: Military.com

Chiến dịch "săn đầu người"

Theo tạp chí The National Interest, mặc dù Ukraina đã từ bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 1994, nhưng rất nhiều nhà khoa học và chuyên gia thiết kế tại nước này vẫn còn biết cách thức sản xuất những thành phần quan trọng cấu thành các vũ khí chiến lược. Trung Quốc thường đặc biệt quan tâm tới những kiến thức như vậy và dường như đã được người Ukraina giúp thiết kế hệ thống radar mảng pha đầu tiên của nước này.

Các nhà phân tích đánh giá, hiện tượng Trung Quốc "câu trộm" các kỹ sư về hàng không vũ trụ, xe tăng và hải quân của Ukraina cũng khá phổ biến, điển hình là trường hợp của Valerii Babich, người thiết kế hàng không mẫu hạm Varyag.

Trong dư luận từng râm ran các đồn đoán về sự tồn tại "các thị trấn Ukraina" ở một số thành phố Trung Quốc, nơi cư trú của lượng lớn lao động nước ngoài làm thuê cho các công ty địa phương.

Các doanh nhân Ukraina và Nga thậm chí từng bán các tên lửa hành trình hạt nhân Kh-55 (không kèm đầu đạn hạt nhân) trong kho của Ukraina cho Trung Quốc vào những năm 2000.

Những dấu hiệu

Giới quan sát đặt ra câu hỏi, Ukraina đang hỗ trợ Trung Quốc phát triển tên lửa hạt nhân nhiều tới mức nào và đó là sự miễn cưỡng hay tự nguyện? Để có được câu trả lời, họ nêu dẫn chứng đây không phải là lần đầu tiên bí mật ICBM của Ukraina có thể đã bị "xuất khẩu".

Mùa thu năm 2017, Văn phòng thiết kế Yuzhnoye của Ukraina, đóng đô tại Dnipro bị buộc tội cung cấp các động cơ tên lửa cho Triều Tiên. Mặc dù truyền thông Ukraina phủ nhận cáo buộc, nhưng họ thừa nhận vụ các nhân viên của Yuzhnoye bị bắt quả tang bán các kế hoạch về tên lửa đạn đạo RS-20 (NATO gọi là SS-18 Satan) cho các kỹ sư Trung Quốc. Mặc dù cảnh sát Ukraina đã bắt giữ các kỹ sư Trung Quốc sau đó, nhưng Bắc Kinh được cho đã tác động ngoại giao để xóa bỏ mọi cáo buộc.

Xu hướng trên vẫn tiếp diễn. Gần đây nhất, năm 2016, một nhà khoa học thuộc Đại học quốc gia Dnipropetrovsk bị tố cáo đã rời Ukraina tới Trung Quốc với nhiều tài liệu đề cập đến việc sử dụng các hỗn hợp và lớp phủ chống nóng cho các hệ thống phóng tên lửa, điều được xem là bí mật quốc gia của Ukraina.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc quan tâm đến tên lửa RS-20 một phần bắt nguồn từ khao khát thâu tóm và trang bị công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) cho các mẫu ICBM của họ. Dù hoài nghi về việc các thiết kế MIRV trên tên lửa DF-5B của Trung Quốc có nguồn gốc từ kế hoạch phát triển RS-20 của Ukraina vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng theo các chuyên gia, giữa hai loại tên lửa DF-5 và RS-20 nhiều khả năng có sự tương đồng về đường kính.

Một số thành viên diễn đàn trực tuyến của Trung Quốc tin, Ukraina đã hỗ trợ nước này phát triển tên lửa DF-5B thông qua một lĩnh vực khác. Cụ thể, việc Trung Quốc và Ukraina hợp tác nhau trong lĩnh vực hàng không vũ trụ dân dụng, đặc biệt động cơ RD-120 và động cơ kiểm soát độ cao RD-9, có thể bị khai thác để cải tiến mẫu tên lửa ICBM DF-5B.

Đáng chú ý, các hệ thống tên lửa gần đây của Trung Quốc có quá nhiều điểm tương tự những hệ thống vũ khí cùng loại của Ukraina. Một số nguồn thạo tin nói, việc Trung Quốc phát triển DF-41, một mẫu ICBM đặt trên tàu hỏa, sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-3 mới của họ. Điều đó tương tự mối quan hệ giữa tên lửa ICBM RT-23 (hay SS-24) với mẫu SLBM R-39 của Liên Xô. Giai đoạn đầu tiên của tên lửa R-39 là 3D65, một sản phẩm của Văn phòng thiết kế Yuzhnoye. Cùng loại động cơ do Yuzhnoye thiết kế cũng được trang bị cho RT-23.

Tên lửa DF-41 và tên lửa RT-23 cũng tương tự nhau về nhiều khía cạnh, kể cả việc sử dụng 3 giai đoạn động cơ chạy bằng nhiên liệu rắn và mang 10 đầu đạn hạt nhân MIRV.

Tất cả những dấu hiệu trên là căn cứ để nhiều người nhận định, dù vô tình hay hữu ý, Ukraina đã trợ giúp đáng kể cho chương trình tên lửa hạt nhân của Trung Quốc.

Thế hệ tên lửa mới của Trung Quốc có thể không phải là bản sao các mẫu tên lửa Ukraina phát triển cách đây nhiều thập niên, nhưng sự rò rỉ không ngừng các bí mật quốc gia của người Ukraina về tên lửa, việc di cư của nhiều nhà khoa học và kỹ sư Ukraina cũng như sự hợp tác giữa hai nước về tên lửa dân sự nhiều khả năng dẫn đến việc các ICBM hiện đại của Trung Quốc sẽ tích hợp công nghệ của Ukraina ở khía cạnh này hay khía cạnh khác.

Tác giả: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP