Đây là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trong hàng thập niên qua liên quan tới khu vực miền núi có đông người Hồi giáo sinh sống và từ lâu đã là điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Phát biểu trước thềm cuộc họp, Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc Syed Akbaruddin đã bác bỏ mạnh mẽ sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào hồ sơ này. Theo ông, đây là vấn đề nội bộ và Ấn Độ, một quốc gia với hơn 1 tỷ dân biết phải hành động như thế nào. Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng leo thang, Ấn Độ hôm qua đã ngầm ám chỉ khả năng đánh giá lại học thuyết “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên” trong chính sách hạt nhân của nước này.
Người dân Kashmir ném đá về phía lực lượng an ninh Ấn Độ. (Ảnh: Reuters) |
Trong chuyến thị sát bãi thử hạt nhân Pokhran ở miền Tây Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cảnh báo: “Liên quan tới chính sách hạt nhân của Ấn Độ, chúng tôi vẫn duy trì chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên, sẽ không bao giờ châm ngoài cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong tương lai sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh.”
Trước đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 14/07 tuyên bố, quân đội nước này sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ các lực lượng Ấn Độ nếu nước này quyết định can thiệp vào khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, tránh những bước đi làm ảnh hưởng tới quy chế đặc biệt của vùng Kashmir.
Tới nay, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một số nghị quyết về tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan đối với Kashmir, trong đó có nghị quyết nêu rõ phải tổ chức trưng cầu ý dân trước khi quyết định tương lai của vùng lãnh thổ này. Một nghị quyết khác kêu gọi 2 bên tránh đưa ra các tuyên bố hay hành động có thể khiến gia tăng căng thẳng ở khu vực./.
Tác giả: Thu Hoài
Nguồn tin: Báo VOV