Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An |
Cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển đất nước Việt Nam |
Phát biểu khai mạc hội nghị, chia sẻ về các yếu tố nền tảng đối với sự phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam.
Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu những tác động từ bên ngoài, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Điểm qua kết quả Việt Nam đạt được trong 2 năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và 8 tháng đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bên cạnh đó là sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chia sẻ với những nhà đầu tư gặp khó khăn do tình hình trong nước và thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo chuyên đề "Bối cảnh trong nước và quốc tế: Cơ hội và thách thức - Giải pháp nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới".
Trân trọng sự nỗ lực to lớn và những quyết sách kịp thời của Chính phủ vì mục tiêu khôi phục và phát triển nền kinh tế Việt Nam, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra nhận định xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh cũng như đưa ra nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam. Các địa phương: Quảng Ninh, thành phố Cần Thơ tham luận về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Tính từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Lần đầu tiên, trong 8 tháng đầu năm 2022, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.
FDI vào tỉnh Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh, được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, quy mô của các dự án ngày càng lớn và tiếp tục mở rộng, phát triển, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này đã chứng minh sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư, vào sự nỗ lực, đồng hành của chính quyền tỉnh Nghệ An.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, Tỉnh Nghệ An đã nhìn nhận và phân tích, đánh giá được những thuận lợi, khó khăn và chuẩn bị điều kiện để tiếp tục đón nhận những làn sóng đầu tư mới. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ mà chúng tôi gọi là 5 sẵn sàng. Đó là, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; sẵn sàng hỗ trợ để thu hút các dự án đầu tư, FDI đầu tư vào Nghệ An.
Tạo môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ về yếu tố nền tảng phát triển của Việt Nam (Ảnh chinhphu.vn) |
Phát biểu kết luận hội nghị, chia sẻ về yếu tố nền tảng phát triển, quan điểm, đột phá chiến lược đất nước Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Trong thành quả chung đó, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự chung tay, đồng hành, đóng góp, chia sẻ và nỗ lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong công tác phòng chống dịch, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Theo Thủ tướng, nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác. Nếu "bên thua, bên thắng" thì chúng ta phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực". Việc thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý, linh hoạt trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền, đảm bảo phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài... Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: nghean.gov.vn