Khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN trên 1 triệu lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, có 49,3% lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng, 50,7% còn lại không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu vì cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.
Con số được công bố tại hội nghị phản biện xã hội dự luật bộ luật Lao động sửa đổi dưới góc độ giới do Hội liên hiệp Phụ nữ VN phối hợp với UB TƯ Mặt trận Tổ quốc VN và Tổng Liên đoàn Lao động VN tổ chức.
Lao động nặng nhọc nên phải nghỉ hưu trước tuổi
Chị Trần Thị Hường (40 tuổi), nhân viên thủy sản của một công ty sản xuất đồ hộp ở Hải Phòng cho biết, công việc của chị khá vất vả, ngoài việc phải lao động trong môi trường nóng, lạnh thất thường thì việc thường xuyên phải đứng làm ca kíp cũng rất nặng nhọc.
Chị chia sẻ, nhiều người trong công ty chị chỉ chờ đủ 20 năm đóng BHXH để xin nghỉ hưu do không đủ sức khoẻ để làm việc tiếp.
"Công nhân nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại chỉ 40 tuổi sức khoẻ đã giảm sút đi nhiều. Bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ nên đủ thời gian đóng BHXH tôi cũng xin nghỉ hưu sớm", chị Hường nói.
Nhiều lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp ở tuổi ngoài 40 đã xuất hiện bệnh nghề nghiệp nên muốn được nghỉ hưu sớm |
Làm công nhân may mặc tại TP.HCM từ năm 20 tuổi, đến nay chị Vũ Thị Xuyên đã tham gia đóng BHXH được 18 năm.
Chị chia sẻ, công nhân may mặc chân tay, mắt liên tục hoạt động từ 8-12h/ngày nên rất nặng nhọc. Nhiều hôm tăng ca xong ra khỏi xưởng là lưng đau, mắt mờ, toàn thân tê dại. Nhiều người trong công ty chưa đến tuổi 50 đã phải về hưu do không còn đảm bảo sức khoẻ để tiếp tục làm việc.
"Về hưu sớm mức hưởng rất thấp, nhưng nếu không về cũng không còn đảm bảo sức khoẻ để tiếp tục làm việc. Chúng tôi mong các nhà làm luật lắng nghe ý kiến của những người lao động trực tiếp để có chính sách nghỉ hưu phù hợp", chị Xuyên nói.
Anh Trần Đức Thủy, công nhân bốc xếp tại một công ty tại cảng Cửa Lò chia sẻ, anh thường xuyên phải bốc xếp trong ngoài trời, mưa nắng thất thường và đầy khói bụi độc hại.
Ở tuổi 43 sức khoẻ anh Thuỷ đã giảm sút đáng kể khi các chứng đau lưng, tức ngực thường xuyên xuất hiện.
Anh Thuỷ cho hay, chỉ chờ đủ thời gian đóng BHXH anh sẽ xin nghỉ hưu sớm, dù biết về hưu sớm mức hưởng không đáng là bao.
"Chúng tôi biết nhà nước đang chủ trương nghiên cứu tăng tuổi hưu theo hướng nam tăng lên 60, nữ 55 tuổi. Thế nhưng thực tế với những lao động trực tiếp làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại tuổi ngoài 50 đã không thể tiếp tục làm việc.
Do vậy, thay vì tăng tuổi hưu các nhà làm luật có thể nghiên cứu áp dụng giảm tuổi hưu đối với lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc độc hại. Bởi, thực tế có nhiều lao động làm việc trong môi trường độc hại, chưa nhận được sổ hưu đã ốm đau triền miên, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà", anh Thuỷ nói.
Nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN cho rằng, con số khảo sát cho thấy nên nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt. Có những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại không chỉ nghỉ hưu sớm 5 năm mà còn là 10 năm so với quy định.
Việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng linh hoạt là cần thiết và phù hợp, khi tiếp cận ở góc độ quyền và trách nhiệm của người lao động cũng như các điều kiện, tính chất lao động theo các nhóm lao động khác nhau.
Ngoài ra cũng cần phân định rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công chức, viên chức và khu vực sản xuất kinh doanh.
Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN cho hay, hiện nay các ngành sử dụng đông lao động như dệt may, điện tử, chế biến hải sản... đến 40 tuổi mắt mờ chân chậm, chủ sử dụng lao động chỉ muốn sa thải.
Nếu kéo dài tuổi hưu, nhiều lao động phải chờ 15-20 năm nữa mới có thể được hưởng lương hưu. Thực tế này sẽ có rất nhiều người phải chọn cách hưởng chính sách trợ cấp một lần thay vì đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Từ thực tế trên, ông Chính cho rằng, không nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp. Với lao động gián tiếp phải áp dụng với từng ngành nghề cụ thể.
Tác giả: Vũ Điệp
Nguồn tin: Báo VietNamNet