Tin trong tỉnh

Huyện Quỳ Hợp tập trung rà soát, bổ sung, tổ chức thực hiện các quy hoạch toàn diện, khoa học, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương

Là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại Thông báo số 627/TB-UBND ngày 28/8 về kết luận tại buổi làm việc với Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp.

Sau khi nghe Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung định hướng phát triển huyện Quỳ Hợp phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với tiềm năng và lợi thế sẵn có, phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và yêu cầu phát triển, các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tập trung xây dựng, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn một cách hiệu quả. Các chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cần phải hợp với lòng dân và phải vì lợi ích của người dân.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Quỳ Hợp tiếp tục rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là 05 nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá phát triển. Tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu đạt kết quả thấp sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, hoàn thiện, bổ sung và tổ chức thực hiện các quy hoạch một cách toàn diện, khoa học, phù hợp với yêu cầu phát triển và đặc thù của địa phương, đồng bộ với quy hoạch tỉnh và có tính kết nối với quy hoạch vùng, nhất là vùng Tây Bắc Nghệ An, kết nối với các địa phương lân cận (Quỳ Hợp – Thái Hòa – Nghĩa Đàn – Hoàng Mai) để tạo sự phát triển, khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Huyện cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp. Về công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp về chế biến khoáng sản, trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào khai thác và chế biến khoáng sản, tăng cường đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa.

Về du lịch, dịch vụ, chú trọng phát triển dịch vụ du lịch, nhất là việc kết nối và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và các lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường tính liên kết, kết nối các điểm, tuyến du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.

Về nông nghiệp, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&CN và các ngành liên quan lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để phát triển và đẩy mạnh, đồng thời nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lồng ghép nhiều chương trình, nguồn lực để tập trung xây dựng Nông thôn mới thực chất và hiệu quả. Tạo ra các sản phẩm OCOP chủ lực, có thương hiệu và giá trị cao gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

Tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn huyện, nhất là sử dụng nguồn vốn đầu tư công và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; tìm kiếm, kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội để phục vụ phát triển; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội (hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế…).

Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; sử dụng đất đai hướng đến phát triển bền vững và gắn với công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản.

Đồng thời, chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; phát huy vai trò huyện điểm văn hóa miền núi và các dân tộc thiểu số; bảo tồn các giá trị văn hóa, các mô hình sinh hoạt văn hoá. Dành nguồn lực để từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với nhu cầu của người dân. Quan tâm nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa. Quan tâm công tác kết nối cung cầu lao động, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu việc làm trên địa bàn. Tập trung đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó đề ra các giải pháp cụ thể, nhất là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, hướng đến người dân, doanh nghiệp. Tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác cải cách hành chính.

Tăng cường giữ vững mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, mâu thuẫn tranh chấp của người dân ngay từ cơ sở.

Tác giả: Kim Oanh (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP