Tin trong tỉnh

Khu đô thị “ôm” kho thuốc trừ sâu: Tỉnh nói không ô nhiễm, dân vẫn lo

Dù tỉnh Nghệ An khẳng định khu vực dự án khu đô thị nhà ở Sơn Hà không ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, song người dân vẫn lo ngại.

Một góc mà Công ty Sơn Hà thực hiện cô lập, ngăn chặn ô nhiễm tại KĐT Sơn Hà (Ảnh chụp ngày 26/12/2020)

Cuối tháng 12/2020, Báo Giao thông đăng tải bài viết “Hãi hùng khu nhà ở đô thị "ôm" kho thuốc bảo vệ thực vật "siêu to”, phản ánh lo ngại của người dân về việc nằm ngay trong khuôn viên dự án Khu nhà ở đô thị Sơn Hà (xóm 18C, xã Nghi Liên, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng Sơn Hà) còn tồn tại một kho thuốc bảo vệ thực vật cũ trước đây chưa được xử lý.

Khu đất nói trên trước đây là của Xí nghiệp hóa chất Vinh, được xây dựng từ năm 1976, chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Bãi chứa thuốc bảo vệ thực vật trước đây chính là 2 ô đất nằm trong dự án.

Vào năm 2018, Sở TN&MT Nghệ An có văn bản gửi UBND tỉnh này nêu rõ: Kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật trong khu vực dự án của Công ty Sơn Hà là điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, nằm trong danh mục các điểm tồn lưu cần phải xử lý.

Dự án Khu nhà ở đô thị Sơn Hà tại xã Nghi Liên (TP Vinh) do Công ty CP Xây dựng Sơn Hà làm chủ đầu tư. Dự án nằm ở cửa ngõ phía Bắc của TP Vinh, gần Bến xe phía Bắc và Sân bay Vinh… và được quy hoạch trên diện tích rộng hơn 34.831,17m2 để xây dựng các công trình nhà ở, đất ở biệt thự, đất ở liền kề…

Đến giữa năm 2020, Công ty Sơn Hà có công văn gửi Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đề nghị thẩm định phương án cô lập, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Phương án này sau đó đã được Sở TN&MT tỉnh Nghệ An phê duyệt.

Trong khi Công ty Sơn Hà đang thực hiện cô lập, ngăn chặn ô nhiễm thì Sở TN&MT tỉnh Nghệ An thống nhất lấy lại mẫu xét nghiệm, từ đó tham mưu cho tỉnh ra văn bản cho phép Công ty Sơn Hà tiếp tục thi công dự án khu đô thị.

Ngày 2/4/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu ký công văn 1854 “Về việc công bố khu vực không bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu”.

Theo đó, tỉnh cho phép Công ty Sơn Hà dừng việc thực hiện phương án cô lập, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trong phạm vi dự án khu đô thị Sơn Hà.

Đồng thời, giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với UBND TP Vinh và các đơn vị có liên quan tổ chức công bố thông tin khu vực dự án này không bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

Tuy nhiên, khi văn bản ký còn chưa "ráo mực", trong các ngày 19 và 20/4, nhiều công nhân Công ty TNHH Sản xuất bật lửa gas Trung Lai (nằm gần khu đô thị Sơn Hà) bất ngờ bị nôn mửa, ngất lịm, được cho là vì ngửi phải mùi thuốc trừ sâu nồng nặc bốc lên từ phía khu đô thị Sơn Hà. Thời điểm này, cũng là lúc có nhóm người dùng máy móc đào xúc ở khu vực đất kho thuốc, trước đây được khoanh vùng cô lập.

Vụ việc khiến công nhân làm việc và người dân sinh sống gần khu đô thị này hết sức hoang mang, lo lắng.

“Chỉ cần đi ngang qua khu đất này cũng đã ngửi thấy mùi thuốc sâu. Không biết quá trình lấy mẫu, xét nghiệm và kết quả như thế nào nhưng nói không bị ô nhiễm thì rất khó hiểu”, một cán bộ Công ty Trung Lai nói.

Văn bản do ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký

Lý giải về việc công nhân ngất, ông Hoàng Quốc Kỳ, Phó trưởng Phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết, qua kiểm tra, đơn vị phát hiện ngày 19/4/2021, Công ty Sơn Hà có thuê phun thuốc trừ sâu cho toàn bộ cây xanh trong khu vực dự án khu nhà ở đô thị.

Ngoài ra, ngày 19/4/2021, Công ty có thực hiện bóc bề mặt làm đường giao thông nội bộ về phía Đông Nam của dự án, là vị trí thuộc điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

"Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận khu vực dự án có hiện tượng mùi hôi khó chịu từ thuốc trừ sâu. Để có cơ sở đánh giá mức độ ô nhiễm, ngày 20/4/2021, Sở TN&MT đã giao Trung tâm quan trắc TN&MT tiến hành lấy 9 mẫu môi trường đất tại 3 vị trí thuộc khuôn viên dự án để phân tích các thông số môi trường theo quy định", ông Kỳ cho biết.

Cũng theo ông Kỳ, số liệu điều tra, khảo sát của điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại kho hóa chất Vinh được thực hiện từ năm 2012-2013, cho đến nay đã gần 10 năm.

“UBND tỉnh ra văn bản số 1854 là hoàn toàn đúng quy trình, quy định. Văn bản căn cứ trên kết quả xét nghiệm của Sở TN&MT. Còn Sở TN&MT phải chịu trách nhiệm với những kết quả xét nghiệm của mình. Sau khi nắm được thông tin nhiều công nhân ở gần khu đô thị Sơn Hà bị ngất, nôn mửa, tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT cho tạm dừng thi công dự án. Đồng thời tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lại trước khi có quyết định tiếp theo”

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Phòng Nông nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

"Do thời gian và biến động của hiện trạng nên khu vực tồn lưu có sự thay đổi. Căn cứ quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT thì khu vực tồn lưu trên không cần phải tiến hành phân loại khu vực bị ô nhiễm, kiểm soát khu vực bị ô nhiễm hoặc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường”, ông Kỳ nói về lý do Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cho phép công bố khu vực thông tin đối với khu vực không bị ô nhiễm đồng thời không phải tiến hành cô lập ô nhiễm đối với khu vực trên.

Tuy nhiên, theo một số người dân ở xóm 18C, xã Nghi Liên, khu đất nói trên là để xây dựng khu đô thị - là nơi sinh sống của hàng trăm người dân. Vì thế, họ mong muốn tỉnh Nghệ An cần có những kiểm tra kỹ lưỡng và giải pháp an toàn tuyệt đối trước khi cho chủ đầu tư tiếp tục thi công.

“Trong trường hợp sự cố tiếp tục xảy ra thì ai sẽ phải là người gánh chịu hậu quả, còn ai phải chịu trách nhiệm?”, một người dân lo ngại.

Đầu tháng 6/2021, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã có kết quả 9 mẫu xét nghiệm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật tại khu đô thị Sơn Hà. Một nhân viên Phòng Kiểm soát ô nhiễm của Chi cục cho biết, kết quả xét nghiệm lần này cũng tương tự như lần trước, khi hàm lượng DDT tổng dưới ngưỡng theo quy chuẩn (DDT- tên viết tắt một chất hữu cơ cao phân tử tổng hợp, có chứa clo, không tan trong nước. DDT đã từng được sử dụng làm thành phần thuốc diệt côn trùng, sâu hại- PV).

Nói thêm về kết quả xét nghiệm lần này, một lãnh đạo Trung tâm Quan trắc TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết: “Kết quả xét nghiệm lần này có hàm lượng DDT tổng thấp hơn ngưỡng Quy chuẩn QCVN 54:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất; nhưng lại có chỉ số vượt ngưỡng Quy chuẩn QCVN 15:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất".

Tác giả: Sỹ Hòa - Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP