Đây còn là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Miền tây nghệ An, cần được được chuyển hóa thành "thương hiệu" mạnh của các sản phẩm độc đáo, đa dạng mang đậm bản sắc riêng có của Khu DTSQ MT Nghệ An. Thế nhưng cư dân ở đây vẫn đói nghèo và hàng năm vẫn phải chờ cứu trợ của Chính phủ, địa phương và các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện, nhân đạo... Điều đó đang làm Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An luôn phải trăn trở.
Sản phẩm phong phú đa dạng nhưng tắc đầu ra
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó GĐ Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng: Nghệ An sẽ tiếp tục còn nghèo khi miền Tây Nghệ An chưa thoát nghèo. Bởi vậy, để giúp miền Tây Nghệ An thoát nghèo, nhất là làm gì để các sản phẩm của gần một triệu cư dân các dân tộc đang sinh sống trong Khu DTSQ MT Nghệ An làm ra hàng ngày đến được tay người tiêu dùng để giúp họ vươn lên thoát nghèo bằng các hoạt động SXKD ngay trên địa bàn cư trú của họ? Đây là một câu hỏi đã làm chúng tôi trăn trở mãi và quyết tâm kiếm tìm một giải pháp tích cực để xử lý tốt nhất vấn đề này.
Bí xanh của đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn
Trong những năm gần đây, bên cạnh hàng trăm cơ sở chế biến vừa và nhỏ, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, đã có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án có quy mô lớn như các Nhà máy gỗ MDF của Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm; Công ty Tân Việt Trung; Công ty Thanh Thành Đạt; chế biến Than sinh học Biomass của Nhật Bản; nhà máy các sản phẩm từ tre, lùng của Doanh nghiệp Khánh Tâm... nhằm sử dụng nguồn nguyên liệu, các lâm sản phi gỗ (lâm sản ngoài gỗ) hiện có để tạo ra những sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám lấy cư dân sinh sống trong Khu DTSQ MT Nghệ An. Bởi thế, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Nghệ An là phải làm sao chuyển được danh hiệu Khu DTSQ MT Nghệ An vào từng sản phẩm để biến nó thành thương hiệu của sản phẩm. Theo đó chỉ có những sản phẩm được sản xuất, chế biến có nguồn gốc, xuất xứ từ Khu DTSQ MT Nghệ An mới được được gắn nhãn. Làm sao để từng sản phẩm được gắn nhãn đều phải được kiểm định, xác nhận và đều có mã vạch... để tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng trước khi họ quyết định mua các sản phẩm được gắn danh hiệu của Khu DTSQ MT Nghệ An.
Trước mắt là phải đưa ngay các sản phẩm đã được sản xuất, chế biến có nguồn gốc, xuất xứ từ Khu DTSQ thế giới miền Tây Nghệ An hiện có như: Rượu Mú Từn, Trà dược liệu cà dây leo, Trà lọc dây thìa canh; Trà hoa vàng; Sữa tươi, các thức uống thảo dược TH true Herbal, Tinh bột nghệ; Mật ong rừng; Miến dong pulaixeng; Trà tuyết shan, Bột sắn dây; Cam quả; Tinh dầu cam, Nước chanh leo cô đặc, Gạo cẩm Kỳ Sơn - Tương Dương; Khoai sọ Kỳ Sơn, Bí xanh, Gừng Kỳ Sơn, thịt bò giàng, Cá mát Sông Giăng...; đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan; đồ thổ cẩm... lên kệ các quầy hàng, các siêu thị, các sân bay nội địa và quốc tế để quảng bá và tiếp thị đến các đối tượng người tiêu dùng trong và ngoài nước khi họ có mặt tại Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức đặt thí điểm một số gian hàng tại TP Hồ Chí Minh, tại Thủ đô Hà Nội và tại Khu di tích Đền Cuông (Diễn Châu, Nghệ An). Điều đáng mừng là rất nhiều khách hàng ở các tỉnh sau khi mua và sử dụng các sản phẩm này đều đã đến các siêu thị tìm mua nhưng đều không có khiến họ phải đặt hàng yêu cầu gửi qua đường bưu điện.
Nhiều khách hàng sau một thời gian sử dụng đã đánh giá các sản phẩm có dán danh hiệu Khu DTSQ MT Nghệ An là vừa tốt vừa rất rẻ so với các loại thực phẩm chức năng của nước ngoài có tác dụng tương tự mà họ đã từng sử dụng.
Chèo thuyền trên sông Giăng. (Ảnh: T.L/Báo Nghệ An)
“Chỉ có bằng cách đó thì các sản phẩm được SX, chế biến có nguồn gốc, xuất xứ từ Khu DTSQ MT Nghệ An mới đến được tay người tiêu dùng. Từ đó mới khiến họ tin tưởng và sẵn sàng tìm mua thì các sản phẩm được dán danh hiệu Khu DTSQ MT Nghệ An mới có thể trở thành hàng hóa và chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Và điều đó mới tạo nên sự gia tăng giá trị thặng dư thương mại cho các sản phẩm hiện có tại miền Tây Nghệ An...”- Phó GĐ Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm khẳng định.
Những định hướng và giải pháp sắp tới
Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, để đảm bảo uy tín cho toàn bộ các sản phẩm được gắn nhãn danh hiệu Khu DTSQ MT Nghệ An, chúng tôi đưa ra 7 tiêu chí rất khắt khe và yêu cầu tất cả các công ty, đơn vị, hộ cá nhân có sản phẩm đăng ký phải triệt để thực hiện. Theo đó, thứ nhất là sản phẩm được sản xuất, chế biến phải có nguồn gốc, xuất xứ từ Khu DTSQ MT Nghệ An. Thứ 2 là sản phẩm đó được sản xuất bằng những kiến thức truyền thống, mang dấu ấn bản địa rõ rệt (kể cả chế biến bằng thủ công hay bằng công nghệ tiên tiến được nhập khẩu về). Thứ 3 sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thể hiện rõ trong từng mã vạch để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Thứ 4 là sản phẩm phải được cơ quan chức năng kiểm tra kiểm định thường xuyên và được xác nhận đảm bảo đạt tiêu chuẩn cao về ATVSTP. Thứ 5 là đặc biệt ưu tiên các sản phẩm được sản xuất, chế biến bằng các kiến thức bản địa, mang đậm đặc trưng văn hóa, ẩm thực của từng dân tộc...
Năm 2018, chúng tôi đang chỉ đạo tích cực các địa phương trong Khu DTSQ MT Nghệ An phấn đấu để có 20 sản phẩm đủ các điều kiện kể trên để đăng ký và đưa lên kệ hàng các siêu thị trong toàn quốc. Sau đó sẽ tiếp tục hình thành hệ thống phân phối rộng rãi ra toàn quốc.
Thác Khe Kèm- Điểm du lịch hấp dẫn trong Khu DTSQ thế giới miền Tây Nghệ An
Đối với những hộ gia đình cá nhân có sản phẩm được xác nhận đạt các tiêu chuẩn nói trên nhưng không tự thiết kế được bao bì, mẫu mã, nhãn mác để giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm của mình thì Khu DTSQ MT Nghệ An sẽ hỗ trợ họ đăng ký mã vạch để trích xuất nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra chúng tôi còn trực tiếp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm để đưa lên kệ hàng các siêu thị để biến các sản phẩm của họ thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Chúng tôi xem các khâu từ sản xuất, lựa chọn đến xem xét đánh giá chất lượng, hình thành mẫu mã tới giới thiệu sản phẩm, tiếp thị đưa ra thị trường, thậm chí bán hộ cho họ là một chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ khép kín nhằm nâng cao thu nhập cho gần 1 triệu cư dân các dân tộc đang sinh sống trong Khu DTSQ MT Nghệ An. Đó cũng là một cách để quảng bá cho danh hiệu Khu DTSQ MT Nghệ An trong thời gian tới.
Tác giả: Sao Mai
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam