Trong nước

Kiểm soát tài sản của cán bộ để phòng chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ mới đây đã tổ chức bốc thăm lựa chọn ra 67 cán bộ thuộc 9 bộ, ngành để xác minh tài sản thu nhập năm 2023, qua đó kiểm soát tài sản cán bộ.

Thanh tra Chính phủ tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên 67 cán bộ để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập tăng thêm năm 2023 - Ảnh: TTCP

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu PHẠM VĂN HÒA - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng việc bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 là một việc làm rất quan trọng, cần thực hiện thường xuyên, liên tục.

Từ việc minh bạch tài sản, cao hơn là kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Kê khai nhưng không xác minh thì không có ý nghĩa

* Ông đánh giá thế nào về việc 67 cán bộ thuộc chín bộ, ngành đã được bốc thăm để xác minh tài sản, thu nhập trong năm nay?

- Xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng. Việc này nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng nội dung kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Qua đây cũng để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện xử lý hành vi vi phạm, khuyết điểm trong kê khai tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Việc bốc thăm ngẫu nhiên 67 cán bộ của chín bộ, ngành để xác minh năm 2023 chính là thể hiện điều này. Tuy nhiên từ việc bốc thăm này, dư luận trông cơ quan kiểm soát tài sản sẽ tiến hành xác minh, làm rõ tính trung thực trong việc kê khai tài sản của các cán bộ, công chức được bốc thăm, nhất là người đứng đầu.

Đồng thời, cũng cần chờ xem có phát hiện ai vi phạm, có tài sản bất minh hay không và việc xử lý sẽ ra sao.

* Nhiều ý kiến cho rằng việc bốc thăm ngẫu nhiên này mới chỉ tiến hành được với 10% số cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai hằng năm. Như vậy có phải là quá ít?

- 10% là ít thật nhưng cần nhìn ở tổng thể con số này đều phải có trọng tâm, trọng điểm, tức là ở các lĩnh vực, đơn vị có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì được chọn để bốc thăm ngẫu nhiên.

Thêm vào đó, năm nay bốc thăm 10%, trong đó có tối thiểu một lãnh đạo, sang năm tiếp tục 10% thì trong vòng 3 - 5 năm sẽ có thể xác minh rành mạch được tài sản, thu nhập tăng thêm của những cán bộ, công chức thuộc diện "trọng điểm". Nhất là những người lãnh đạo, đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.

Tôi cho rằng quan trọng nhất không phải ở số lượng nhiều hay ít mà là kết quả thực hiện xác minh ra sao. Sẽ phát hiện được những trường hợp nào có tài sản bất minh rồi công khai với cơ quan, đơn vị. Tiếp đó là xử lý những tài sản bất minh đó ra sao.

Thực tế có không ít cán bộ, công chức có rất nhiều tài sản nhưng tài sản đó không biết xuất phát từ đâu, ra sao, thậm chí có người giải thích do vợ con, người thân làm doanh nghiệp, kinh doanh kiếm ra. Những việc này cần được làm rõ qua việc xác minh để thông tin công khai.

* Thực tế thời gian qua việc xác minh bản kê khai thu nhập, tài sản chưa đi vào thực chất khiến không ít trường hợp kê khai không trung thực, che giấu tài sản?

- Đúng như vậy. Khi có tài sản bất minh, cán bộ, công chức mới phải che giấu. Chúng ta yêu cầu kê khai nhưng không xác minh tính trung thực, tính chính xác thì việc kê khai không mang nhiều ý nghĩa.

Thêm vào đó, xác minh rồi nhưng không rõ ràng mà lại nể nang, giảm nhẹ, thậm chí nương tay, bao che. Từ đó dẫn đến việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không rõ ràng chưa được đến nơi, đến chốn. Như vậy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực không đạt hiệu quả được.

Biệt thự vườn của cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa - Ảnh: H.M.

Kiểm soát tài sản vẫn là khâu yếu

* Như vậy, có thể hiểu việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức ở nước ta vẫn là khâu yếu?

- Điều này không phải đến giờ mới đặt ra mà rất nhiều ý kiến đã nêu rõ với thực tế trong thời gian qua cho thấy việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức vẫn là khâu yếu. Vấn đề này đặt ra cho các cơ quan chức năng rất cần phải có những nghiên cứu, đưa ra các giải pháp mạnh hơn để khắc phục.

Nguyên nhân của vấn đề này có nhiều nhưng có thể thấy là do chúng ta chưa có đủ nguồn lực để xác minh toàn bộ hằng năm đối với số cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai. Chính điều này mới dẫn tới việc phải bốc thăm ngẫu nhiên 10% số cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai để xác minh.

Ngoài ra, hiện nay xã hội chúng ta vẫn đang chủ yếu dùng tiền mặt cũng dẫn đến khó khăn cho việc kiểm soát tài sản. Việc đẩy mạnh hạn chế dùng tiền mặt sẽ là một giải pháp của việc này.

* Theo ông, để nâng cao hiệu quả của việc kiểm soát, kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cần những giải pháp mạnh nào?

- Hiện nay pháp luật của chúng ta đã có đủ quy định rồi nhưng ý thức, trách nhiệm thực hiện của con người mới là điều quan trọng nhất. Trong đó cần nhất phải có được ý thức, sự trung thực, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong việc kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm hằng năm của mình. Nếu cán bộ, công chức kê khai rành mạch, rõ ràng đúng thì việc kiểm soát, xác minh sẽ rất rõ ràng.

Thêm vào đó, cốt lõi nhất là chính mỗi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có ý thức rất cao, thể hiện trách nhiệm đầu tàu, gương mẫu, liêm chính trong việc kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Đồng thời, nếu có sự việc gì phải khách quan, công tâm trong việc xử lý. Các kiểm soát tài sản được giao nhiệm vụ cũng cần xác minh, xử lý đến nơi, đến chốn, làm rõ, minh bạch nguồn gốc tài sản, nhất là sự bất minh của cán bộ, công chức.

Thực tế các vụ án tham nhũng lớn vừa qua được xử lý như Việt Á, chuyến bay giải cứu hay như vụ cựu bí thư Tỉnh ủy, cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai đều thuộc diện phải kê khai. Nhưng chỉ khi cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý mới phát hiện những hành vi tham nhũng, nhận hối lộ. Trong đó, hai cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng của cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA

Ông LÊ NHƯ TIẾN (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục): Phải kiểm soát cả tài sản của người thân cán bộ, lãnh đạo

Việc kê khai tài sản nhiều nhưng hiệu quả không cao là do chúng ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Có cán bộ, lãnh đạo có 10 nhà, chung cư, đất đai nhưng họ lại chuyển dịch hết cho con cháu, anh, chị em, họ hàng. Thậm chí đưa ra nước ngoài.

Do đó phải đi từ gốc của vấn đề, xem tài sản này phát sinh từ đâu, đã được ai chuyển giao cho ai, ai đứng tên mua, đằng sau là ai. Dòng chuyển dịch của tài sản bất minh rất phức tạp, khó đoán. Do vậy, ngoài kiểm soát tài sản của cán bộ, lãnh đạo thì phải kiểm soát tài sản của cả người thân trong gia đình dù cùng huyết thống hay không. Chỉ khi nào kiểm soát được tài sản mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất và trở thành giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Ông PHẠM TRỌNG ĐẠT (nguyên cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng): Nên xem xét tịch thu tài sản bất minh

Muốn chống tham nhũng phải có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là người lãnh đạo đảm bảo thực chất, hiệu quả. Hiện nay đã có quy định kiểm soát tài sản, thu nhập thông qua việc kê khai tài sản hằng năm nhưng vẫn mang tính chất phòng ngừa, cảnh báo là chính, chưa giúp được nhiều trong việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng.

Việc bốc thăm ngẫu nhiên cũng là một giải pháp nhưng chưa thực chất, chưa giải quyết được nhiều vấn đề. Vì vậy mới có câu chuyện nhiều đối tượng vẫn sẵn sàng "hy sinh đời bố để củng cố đời con".

Ở nhiều nước đã có quy định nếu cán bộ, công chức có tài sản tăng thêm nhưng không chứng minh nguồn gốc thì cơ quan chức năng có thể tịch thu ngay. Tuy nhiên, hiện nay luật pháp Việt Nam chưa thể áp dụng được vì còn nhiều quy định ràng buộc... Do vậy cần nghiên cứu để xem xét sửa đổi các quy định của luật pháp, cho phép tịch thu các tài sản bất minh khi đã được chứng minh, điều tra xác định.

Tác giả: THÀNH CHUNG THỰC HIỆN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP