Trong nước

Phòng chống tham nhũng từ cơ sở, tránh mất tài sản vừa mất cán bộ

Theo lãnh đạo các địa phương, việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh tạo nhiều thuận lợi trong công tác phòng chống, hạn chế được việc vừa mất cán bộ, vừa mất tài sản.

Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) được Ban chấp hành Trung ương thống nhất tại Hội nghị Trung ương 5, diễn ra hồi đầu tháng 5/2022. Ngay sau đó, các địa phương lần lượt thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và bí thư tỉnh, thành đồng thời là trưởng ban chỉ đạo.

Đến nay Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh đã đi vào hoạt động được hơn 6 tháng và thu được nhiều kết quả.

Chia sẻ với Zing, Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh chính là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực Trung ương, thể hiện tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" từ Trung ương đến địa phương trong công tác PCTN, tiêu cực.

Đặc biệt thành phần cơ cấu của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh bên cạnh trưởng một số ban Đảng còn bao gồm cả giám đốc công an tỉnh, chánh thanh tra tỉnh, viện trưởng viện KSND tỉnh, chánh án TAND tỉnh. Việc này sẽ tạo điều kiện, cơ chế cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kịp thời và trực tiếp chỉ đạo, xử lý nhanh chóng các thông tin, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngay sau khi phát hiện.

Tránh bài học đau xót

Chia sẻ từ thực tế ở địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết việc thành lập Ban Chỉ đạo ở địa phương giúp đưa các vụ án, vụ việc về một đầu mối, thuận tiện cho Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc và giải quyết dứt điểm.

Nhìn nhận "bước đầu có chuyển biến", ông Dũng cho biết vẫn còn nhiều tồn tại cần tích cực giải quyết. Đặc biệt, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong cơ quan của Ban Chỉ đạo như kiểm tra, thanh tra, điều tra… phải xuyên suốt, liên thông để phát hiện những chỗ có dấu hiệu thì nhấn vào đó để làm.

Với việc bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo, ông Dũng nhìn nhận công việc thuận và được giải quyết nhanh hơn qua cơ chế làm việc trực tiếp, không phải báo cáo qua nhiều cấp.

Ông dẫn chứng ở địa phương vừa qua có vướng mắc về thẩm định giá đất để xác định thiệt hại trong một vụ việc, thành phố giao cho sở giải quyết nhưng Sở Tài chính đùn đẩy cho Sở TN&MT và ngược lại. Nhưng từ khi đưa vụ việc về Ban Chỉ đạo, Bí thư Thành ủy trực tiếp yêu cầu phó chủ tịch thành phố phụ trách lĩnh vực làm việc với các sở và công an mới giải quyết được vấn đề.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: T. Trần.

Về kế hoạch năm tới, Bí thư Hà Nội cho biết Ban Chỉ đạo thành phố dự kiến “khoét sâu” vào các kết luận thanh tra, kiểm tra từ trước đến nay, thậm chí cả những kết luận 10 năm về trước.

Đặc biệt, để tránh bài học đau xót "vừa mất tài sản, vừa mất cán bộ" khi xây dựng dự án trọng điểm tại một số địa phương, ông Dũng cho biết ngay khi bắt tay triển khai vành đai 4, Hà Nội luôn chỉ đạo xuyên suốt việc vừa làm vừa tăng cường kiểm tra giám sát của các ngành, đồng thời mời luôn kiểm toán vào song hành, thực hiện kiểm toán hàng năm.

"Đó là việc rất quan trọng, vì hạn chế được việc mất cán bộ, mất tài sản. Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra rồi mới xử, mà chủ động giám sát chặt ngay từ đầu", ông Dũng nói.

Chung quan điểm, Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh PCTN, tiêu cực phải đặc biệt chú trọng khâu "phòng" tham nhũng, làm sao phải kịp thời phát hiện khi những hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa mới manh nha, ở mức độ nhỏ lẻ để xử lý ngay, tránh gây hậu quả rồi mới xử lý, không để vừa mất tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, lại vừa mất cán bộ.

Nhấn mạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh thể hiện tính nhân văn theo phương châm "phòng" hơn "chống", bà Hải cho biết hoạt động của Ban chỉ đạo ở tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp “phòng” là chính.

"Đây sẽ như những liều vaccine giúp cán bộ, đảng viên tăng sức đề kháng trước những cám dỗ vật chất và các thủ đoạn mua chuộc tinh vi", nữ Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra rồi mới xử, mà chủ động giám sát ngay từ đầu.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Bà cho rằng các kết quả đạt được trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua đã tạo niềm tin cho nhân dân và có sức răn đe, cảnh tỉnh, giúp mọi cán bộ, đảng viên và kể cả người dân, doanh nghiệp đều tự giác và có ý thức cao trong việc áp dụng đúng, đầy đủ và đồng bộ các quy định của pháp luật.

"Thời gian qua, một số cán bộ bị xử lý vì những sai phạm đã mắc phải từ những thời gian trước, có thể nói đây là bài học xương máu, mang ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh với mọi cán bộ, đảng viên, bởi tham nhũng, tiêu cực rồi cũng sẽ phải nộp lại toàn bộ tài sản đã tham nhũng, hơn nữa, còn phải trả giá rất đắt bằng chính sinh mệnh chính trị của mình", bà Hải nêu quan điểm.

Chia sẻ luôn mong địa phương phát triển, song nữ Bí thư tỉnh ủy khẳng định sự phát triển phải bền vững, phát huy được hết tài năng, sức sáng tạo, sự năng động của từng cán bộ, đảng viên. "Chúng tôi mong tỉnh ngày càng phát triển, nhưng sự phát triển đó phải đồng hành với sự trưởng thành tiến bộ của cán bộ về nhận thức, về kỹ năng và nghiệp vụ. Tuyệt đối không đánh đổi sự phát triển nóng của địa phương bằng các quyết định vội vàng, chưa đủ thận trọng", bà Hải nhấn mạnh.

Nhìn nhận ranh giới giữa đúng - sai đôi khi còn khá mong manh, nếu cán bộ không có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ và thiếu bản lĩnh thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ sai phạm, Bí thư Thái Nguyên cho rằng bên cạnh xử lý nghiêm, phải luôn có cơ chế khích lệ, động viên và bảo vệ những người dám nghĩ dám làm và làm đúng.

Mời cán bộ có kinh nghiệm chia sẻ kiến thức

Đây là một cách làm khá hiệu quả đã được Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên - một địa phương ở trung du miền núi phía bắc tiên phong thực hiện.

Với sự quyết liệt trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án, nhiều cán bộ, công chức bị xử lý, dư luận phản ánh một số cán bộ, công chức có tâm lý lo ngại, làm việc cầm chừng, làm sợ sai, sợ vi phạm.

Bí thư Thái Nguyên nhận định đây không phải tình trạng phổ biến, song cần đặc biệt lưu ý.

Từ thực tế ở địa phương, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bồi dưỡng tác phong liêm chính cho cán bộ, đảng viên.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Việt Linh.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng tìm ra các giải pháp, cách làm mới để phòng ngừa, phát hiện, xử lý "từ sớm, từ xa" các hành vi sai phạm khi còn manh nha để kịp thời kiến nghị chấn chỉnh.

Cũng từ thực tế gần đây có nhiều cán bộ bị xử lý liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, mua sắm kit test, quản lý đất đai, khoáng sản, tài sản công… lãnh đạo địa phương luôn trăn trở “Tại sao đã có hành lang pháp lý như vậy mà khi triển khai vẫn xảy ra nhiều sai phạm?”.

Tỉnh Thái Nguyên vì thế đã tiên phong tổ chức hội nghị tập huấn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài sản công cho toàn bộ đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (gần 2.600 cán bộ, công chức, đảng viên tham dự).

Đặc biệt, báo cáo viên của hội nghị đều là các lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng của một số cơ quan Trung ương (Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ, C03, Bộ Công an, Vụ 3, VKSND tối cao). Họ đều là những người từng tham gia vào quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố đối với một số vụ án, vụ việc trong các lĩnh vực trên.

Chú trọng tìm ra các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm khi còn manh nha để kịp thời kiến nghị chấn chỉnh.

Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải

Theo bà Hải, sai phạm trong nhiều trường hợp rất tinh vi với muôn hình vạn trạng, và cán bộ ở địa phương có khi không thể nhận diện, phát hiện hết được. Vì vậy, những trao đổi trực tiếp về kinh nghiệm thực tế tại hội nghị của các cán bộ ở Trung ương có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực này là rất hữu ích.

"Ngoài nắm chắc được kiến thức pháp luật và các kinh nghiệm thực tiễn để tránh vô tình làm sai, việc này cũng có tác dụng răn đe, giúp cán bộ nâng cao trách nhiệm trong công việc, tự thấy mình phải làm tốt hơn, cẩn thận, trách nhiệm hơn, chỉn chu hơn trong các nhiệm vụ được giao", bà Hải nói.

Với cơ chế bí thư tỉnh ủy đồng thời là trưởng ban chỉ đạo, bà Hải nhìn nhận việc này không những đã đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng trong công tác PCTN mà còn tạo thuận lợi nhiều hơn trong công tác phát hiện, xác minh, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, giúp mọi việc được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác, công bằng, bớt thủ tục rườm rà qua nhiều cấp.

Tác gỉa: Hoài Thu

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP