|
Ở Việt Nam có nhiều loài cá nhưng có vị đắng ngắt nhưng nhiều người vẫn lùng mua dù giá cao, có thời điểm lên đến 500.000 đồng/kg.
Thưởng thức đặc sản "cá niên, rau dớn". |
Loại cá được nhắc đến ở đây là cá niên. Bề ngoài cá niên có thân dẹt, con lớn dài chừng 20cm và to chừng 2 ngón tay người lớn. Loài cá này cũng dễ nhận biết vì có những vi đỏ mọc quanh miệng, thân cá màu trắng bạc, lưng xanh.
Cá niên còn gọi là cá sỉnh cao hay cá mát là loài cá nước ngọt, thường sinh sống ở vùng sông, suối miền núi cao. Loại cá này là một đặc sản ở Quảng Ngãi, chúng thường có tại Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà… Cá niên thuộc họ cá chép. Vây cá có màu ánh bạc, thoạt nhìn tương tự cá chép nhưng thon thả hơn.
Trước đây, cá niên là món ăn rất dân dã thường có trong bữa cơm của người đồng bào nơi đây. Nhưng ngày nay, cá niên trở thành món ăn đặc sản được nhiều người "săn" lùng nên xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn nơi phố thị.
Do sinh sống ở suối, thác nước chảy xiết nên thịt cá rất săn chắc. Theo tìm hiểu, cá niên chỉ ăn rêu bám trên các vách đá nên thịt cá niên trắng, thơm, không tanh và nhiều chất dinh dưỡng. Xương cá rất cứng và có nhiều xương hom, ruột rất đắng nhưng tốt cho sức khỏe.
Cá niên thường xuất hiện nhiều vào mùa hè và mùa xuân. Cá bơi rất nhanh nên để bắt được chúng không hề đơn giản, người bắt cá phải dùng lưới vây kín mặt suối hoặc dùng súng bắn, hay sử dụng một số dụng cụ đánh bắt cá khác. Cũng vì thế, giá trị kinh tế của loại cá này rất cao.
Thông thường cá niên đông lạnh đang được rao bán giá 325.000 – 350.000 đồng/kg. Còn loại cá tươi sống, người mua phải lên tận nơi chờ dân bắt hoặc đặt trước mới có, giá bán sẽ khoảng 400.000 – 500.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Cá niên nướng thơm ngon bắt mắt. Có thời điểm bán giá lên đến nửa triệu đồng/kg. |
Cá niên con to nhất cũng không quá ngón chân cái. Có thể nói phần ngon nhất cũng là quý nhất của cá niên là ruột cá. Có lẽ vì sống ở vùng ghềnh thác, vận động nhiều nên mật cá to và đắng, đắng đến mức ai ăn lần đầu sẽ rất khó nuốt.
Ruột cá niên đắng nhẩn nhưng lại ngọt ở hậu vị nên ăn vài lần thì sẽ nghiện. Cá bắt lên bờ thường được nướng nguyên con, ăn phần thịt thơm ngọt, ăn phần ruột thì đắng ngọt... Sự đa mùi vị đem lại nhiều cảm xúc khi ăn một con cá tuy chỉ nhỏ bằng hai ngón tay.
Theo chị Hồng Diễm (Quảng Ngãi), loại cá này chỉ đánh bắt trong tự nhiên, chưa ai nuôi được nên số lượng còn rất ít. Cá chỉ xuất hiện theo mùa vì thế mà khách hàng thường tranh thủ mua về thưởng thức.
“Loại cá này chủ yếu ăn rong rêu tại suối nên cá sạch, người dùng chỉ cần đem về rửa sạch, ăn được cả ruột của chúng. Nó khá khó ăn với người chưa quen, sẽ có vị rất đắng, ai không ăn quen sẽ không ăn được. Bản thân tôi cũng không ăn được loại cá này.
Còn người ăn quen, họ lại thấy rất ngon và “nghiện”. Như trong nhà tôi, ông của tôi ăn được nên khen ngon, con cháu hay mua về biếu ông”, chị nói.
Cá niên rất quay hiếm nên giá cá cũng đắt đỏ, khách hàng thường mua về làm quà biếu là chủ yếu.
Bên cạnh đó, chị Thùy Dung ở Quảng Ngãi cũng bán cá niên hơn 2 năm nay, cho biết loại cá này khá kén khách vì không phải ai cũng ăn được, giá lại cao. “Cá niên đặc biệt thơm, ngon và sạch, có thể ăn cả ruột. Nó có vị đắng nhưng vẫn rất ngon khi ai biết thưởng thức”, chị chia sẻ.
Vị đắng của cá niên là ở phần ruột của nó. Vì ăn cả ruột, cá sẽ có vị đắng, khiến người ăn rất ấn tượng và nhớ mãi. Với kinh nghiệm của dân sành ăn, cá niên càng to càng ngon.
Cá niên có thể làm rất nhiều món ăn khác nhau như nướng, nấu canh chua, nấu rau răm, hấp, kho nghệ, kho mặn hoặc nấu cháo…
|
Theo Dân Trí, cá niên rất đặc biệt chỉ ở nơi nào suối đầu nguồn chảy xiết, bọt tung trắng xóa là nơi chúng quần tụ, sinh con đẻ cái. Mùa sinh sản của chúng thường cuối mùa đông - đầu mùa xuân, cá mẹ vượt thác đẻ trứng. Trứng cá bám vào những hòn đá nhám, nở ra cá con, sau đó chúng theo dòng nước "di cư" về các sông, suối nơi thượng nguồn sông Kôn sinh sống và thành món ăn đặc sản.
Đặc biệt, loài cá này sống ở thượng nguồn sông, suối hay chân thác, chỉ ăn rong tảo nên thịt thơm, ngon, sạch và bổ dưỡng. Cá niên thường xuất hiện nhiều vào tháng 6 mùa khô.
Loại cá này tuy đắt đỏ nhưng nhiều người săn lùng. Cá niên ngon nhất là khi vừa bắt được cá còn tươi rói sửa sạch đem nước trên bếp than củi hồng. Đồ chấm chỉ cần chén muối hạt giã với ớt xiêm rừng, gừng, tỏi, chanh.
Để món cá niên thơm ngon đậm vị, khi nướng cá "đầu bếp" phải chịu khó trở đều tay để cá chín đều từ trong ra bên ngoài mà vẫn giữ được màu vàng, lớp vảy giòn. Cá niên khi nướng chín dậy mùi thơm phức, chỉ ngửi thôi cũng đã thòm thèm… Nhưng khi ăn cá bạn mới có thể cảm nhận được được vị thơm, ngọt, béo, bùi, dai của thịt cá, đặc biệt là một chút vị đắng nhẫn của ruột cá mới thú vị.
Lợi ích của việc thường xuyên ăn cá, không phải ai cũng biết Cá được coi là rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Trong chế độ ăn lành mạnh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên ăn cá ít nhất 2 lần một tuần, đặc biệt là các loại cá béo giàu axit béo omega-3. Có thể bạn chưa biết, bộ não sử dụng omega-3 để xây dựng tế bào não và tế bào thần kinh, và những chất béo này rất cần thiết cho việc học tập và ghi nhớ. Omega-3 cũng cung cấp một số lợi ích khác cho não như chúng có thể làm chậm sự suy giảm tinh thần liên quan đến tuổi tác và giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Sự thiếu hụt omega-3 có liên quan đến việc suy giảm khả năng học tập, cũng như trầm cảm. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, những người ăn cá thường xuyên có xu hướng có nhiều chất xám hơn trong não của họ. Chất xám chứa hầu hết các tế bào thần kinh kiểm soát việc ra quyết định, trí nhớ và cảm xúc. Các loài cá béo là những loài cá tốt nhất giàu axit béo omega-3 và vitamin D. Loài cá này bao gồm: cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu, cá cơm, cá mòi… Tuy nhiên, để tránh rủi ro liên quan đến việc ăn cá thường xuyên như: cá bị ô nhiễm hóa chất, thủy ngân, chúng ta nên lựa chọn cá được đánh bắt hoặc nuôi theo tiêu chuẩn ở vùng nước an toàn, không bị ô nhiễm. Lưu ý tránh ăn các loại cá có nồng độ thủy ngân cao như: Cá thu vua, cá kiếm, cá mập, cá ngừ mắt to, cá ngói, cá tráp cam.. |
Tác giả: Trúc Chi (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn