Những chiếc nồi đất nhiều kích cỡ được các nhà hàng, khách sạn ưa chuộng. |
Tất bật ngày cuối năm
Xã Trù Sơn nằm phía nam của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Men theo con đường 15 huyền thoại, xã Trù Sơn nằm gần địa danh Truông Bồn lịch sử. Đến đây những ngày cuối năm, cả xã bao trùm một màn khói từ các lò đốt nồi đất đang tất bật vào tết. Những đơn hàng đang được các thương lái chờ đợi để tỏa đi khắp các vùng miền. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn đã có từ hàng trăm năm qua, chuyên về nồi đất, cho nên quen gọi là làng nồi. Do đó, đến nay khi nhắc đến làng nồi, ai cũng biết đó là làng nghề làm từ đất sét tại Trù Sơn.
Điều độc đáo của làng nồi Trù Sơn chính là các nghệ nhân từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn thuỷ chung với cách làm bằng tay truyền thống. Đất sét được nhào thủ công, đến khi nhuyễn, đảm bảo được độ kết dính thì tạo khuôn trên những chiếc bàn quay. Điều đặc biệt hơn nữa, sau khi những chiếc nồi đất với các kích cỡ khác nhau được hoàn thành, người dân Trù Sơn không nung sản phẩm của mình trong những lò nung được thiết kế kín mà hoàn chỉnh sản phẩm bằng việc đốt trong những chiếc lò chỉ thiên hình tam giác. Những chiếc lò chỉ thiên này được xây thấp bằng đá ong, rất đơn sơ. Lớp thấp nhất được kê lên bởi những sản phẩm lỗi để tránh nhiệt độ quá cao khiến nồi đất bị hỏng. Sau đó, phía dưới được chất các loại lá như dành dành, lá bạch đàn, lá thông… Tiếp tục phía trên được phủ thêm ít lá, rơm khô rồi châm lửa nung.
Đang dùng chân nhào nặn cho dẻo mẻ đất, ông Trần Văn Ba (68 tuổi) trú tại xóm 7, xã Trù Sơn, một trong những thợ lành nghề của làng nồi tâm sự, khi ông sinh ra, làng nồi đất đã có, đời cha ông cũng không rõ cái nghề này có từ bao giờ. Hàng trăm năm qua, người dân nơi đây vẫn bám lấy nghề. “Nhiều lúc không phải không muốn thay đổi công nghệ để tăng công suất. Nhưng không ai tự bảo ai, chúng tôi vẫn thích sản phẩm mình làm ra bằng tay, chính phương pháp thủ công này đã làm nên nét đặc trưng cho nồi đất Trù Sơn.
Cũng theo ông Ba, ngoài yếu tố về nguyên liệu, chính những loại lá mà người dân xã Trù Sơn dùng để nung nồi đất có chứa tinh dầu cho nên nồi đất sau khi thành phẩm rất bóng và đẹp. Sản phẩm nồi đất qua cách nung truyền thống này rất nhẹ và mỏng nhưng lại có độ bền cao. “Sản phẩm muốn tốt, muốn đẹp trước tiên phải có được nguồn nguyên liệu đạt chuẩn. Bởi thế, người dân xã Trù Sơn chúng tôi rất quan tâm đến công đoạn này, chúng tôi phải cất công lặn lội tìm kiếm ở các huyện lân cận như Nghi Lộc, Yên Thành… mới tìm ra cho được thứ đất sét rất dẻo”, ông Ba cho biết thêm.
Gắn bó 30 năm với nghề, đến bây giờ chị Trần Thị Năm trú tại xóm 7 đã bước qua tuổi 52, đôi tay chị Năm thoăn thoắt, nhẹ nhàng vê những lón đất để tạo hình trên chiếc bàn xoay. Chỉ mất khoảng 5 phút chị hoàn thành một sản phẩm. “Nồi đất làng Trù Sơn không cầu kỳ nhiều hình dáng, chỉ đơn giản gồm những loại phổ biến như: nồi nấu cơm, đồ xôi, chõ ngâm giá đỗ, kho cá, sắc thuốc… với kích cỡ to nhỏ khác nhau. Nay có thêm chậu hoa, ống đựng tiền tiết kiệm. Điều đặc biệt, sản phẩm gốm Trù Sơn không được tráng men nên có màu đất rất đặc trưng, dân dã, mộc mạc như chính con người nơi đây”, chị Năm cho biết. Cũng theo người dân làng nồi Trù Sơn đúc kết, muốn có sản phẩm tốt thì đất sét phải đẹp, chứ đất xấu dù có khéo tay cũng hỏng. Do vậy, nguyên liệu đất là hết sức quan trọng.
Vì có chứa tinh dầu nên nồi đất Trù Sơn bóng và đẹp. |
Cách quảng bá hàng độc, lạ
Càng những ngày gần Tết Nguyên đán, người dân làng nghề càng phải khẩn trương, bởi nhu cầu sử dụng sản phẩm trong dịp tết là rất lớn, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn thường đặt mua số lượng lớn để nấu các món ăn truyền thống. Mỗi hộ gia đình tuỳ vào quy mô của lò nung, một mẻ sẽ cho ra lò từ 500-1.000 sản phẩm, từ khi nhào nặn sản phẩm đến khi ra lò dao động từ 15-20 ngày. Mỗi sản phẩm được thương lái thu mua ngay khi vừa mới ra lò với giá từ 8.000 - 15.000 một cái tùy theo kích cỡ. Mỗi tháng, cả xã làm ra hàng ngàn sản phẩm, được thương lái thu mua tại lò, không phải rao bán như xưa. Nhớ lại câu chuyện này mới thấy, người dân đã biết dùng công nghệ 4.0 để quảng bá cho mình, đặc biệt là cách làm độc đáo, mới lạ khiến nhiều người biết đến.
Trước đây, sau khi làm ra những chiếc nồi đất, người dân xã Trù Sơn lại phải dùng xe đạp để đi khắp nơi rao bán từng chiếc. Họ rong ruổi khắp nơi, thậm chí vào tận Quảng Bình, sang Hà Tĩnh, Thanh Hóa để bán. Nhớ lại cảnh này, ông Trần Văn Ba vẫn thấy mình giỏi, với chiếc xe đạp Thống Nhất, cùng với 1.000 chiếc nồi đất, người dân làng nồi rong ruổi khắp nơi, mong bán được hàng. "Cứ một chiếc xe đạp chúng tôi chở được gần 1.000 cái nồi vào hai chiếc sọt lớn ở hai bên và kê lên nữa. Chúng tôi rong ruổi khắp hàng cùng ngõ hẻm của tỉnh, thậm chí sang Hà Tĩnh, Quảng Bình để bán nồi đất. Cứ một chuyến đi như vậy kéo dài hơn 1 tuần mới trở về, vất vả nhưng cũng chỉ trang trải cuộc sống và mua nguyên liệu cho những mẻ nồi tiếp theo”, ông Ba nhớ lại.
Người dân làng nồi Trù Sơn kỹ lưỡng với từng công đoạn làm nồi đất. |
Sau những chuyến hành trình như thế, đến nay nhờ công nghệ 4.0 nồi đất Trù Sơn đã đến tay nhiều người tiêu dùng mới. Chính chất lượng của sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu của nồi đất Trù Sơn. Và để quảng bá sản phẩm của mình, người dân Trù Sơn có nhiều cách làm độc đáo. Theo đó, vào các dịp lễ Giáng sinh, người dân làng nghề Trù Sơn quyết định dựng một cây thông khổng lồ được xếp bằng hàng ngàn chiếc nồi đất. Ngay sau khi được dựng lên, hình ảnh cây thông bằng nồi đất của làng nghề đã tràn ngập các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông. Chính bằng hình thức này, hình ảnh về làng nghề đã lan tỏa khắp nơi xa gần đều biết đến nồi đất của Trù Sơn. Riêng năm 2022, để đổi mới phương thức nhằm đưa nồi đất vươn xa, người dân Trù Sơn đã dựng lại các hoạt cảnh, quá trình làm, nung nồi đất tại một không gian rộng, để du khách khi đến vui Giáng sinh có thể tìm hiểu kỹ hơn về nghề làm nồi đất của người dân. Tuy nhiên, nghề làm nồi đất chỉ còn dành cho người từ tuổi trung niên tại xã Trù Sơn, bởi lớp trẻ hầu hết đã không còn đam mê với cái nghề vất vả, lam lũ này.
Đến làng nồi, mọi người còn được đi trên những con đường làng quen thuộc in đậm dấu ấn thời gian với những bức tường nhà, những đoạn bờ rào cũ kỹ xây bằng đá ong đã bị phong hóa do mưa nắng. Nét xưa cũ, độc đáo, thân thương ở làng nồi thật sự để lại ấn tượng khó quên cho du khách khi về đây tham quan, trải nghiệm. Ông Hoàng Công Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết, hiện toàn xã có khoảng 60 hộ làm nghề. Mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục nghìn sản phẩm, cao điểm nhất là vào 3 tháng cuối năm. Chính quyền địa phương khuyến khích các hộ dân duy trì, phát triển làng nghề làm nồi đất như một nghề đặc biệt. “Tuy nhiên, hiện nay để làng nghề phát triển bền vững, chính quyền địa phương đã trình cấp trên có phương án thành lập một khu sản xuất tập trung vừa giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời tạo thành một khu vực riêng biệt để có thể đưa máy móc thiết bị vào sản xuất, tăng công suất. Chứ hiện nay vẫn đang thuộc diện hộ gia đình tự sản xuất là chính”, ông Chính bày tỏ.
Tác giả: Điền Bắc
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn kết