Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Ảnh: TVB) |
Trả lời phỏng vấn đài TVB vào sáng ngày 12/6 và phát sóng vào buổi tối cùng ngày, bà Lâm có lúc xúc động, thậm chí rơi nước mắt về tình hình người Hong Kong đổ xuống đường biểu tình phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm về Trung Quốc đại lục gây tranh cãi trong những ngày qua. Bà cho biết sẽ không phản hồi những lời kêu gọi bà từ chức hoặc rút lại dự luật.
Bà Lâm nói rằng bà cảm thấy lo lắng và buồn vì nhiều người trẻ tuổi đã xuống đường phản đối, quan ngại về việc chính quyền đặc khu đã không nhận được nhiều sự ủng hộ của thế hệ trẻ.
Nhà lãnh đạo này thừa nhận rằng dự luật trên gây tranh cãi, tuy nhiên bà không đồng ý với việc người trẻ tuổi sử dụng phương pháp bạo lực.
“Hãy dùng một phép ẩn dụ. Tôi cũng là một người mẹ, tôi có 2 con trai. Nếu tôi cho phép con mình tự ý hành động theo cách của nó, ví dụ nó không thích đi học, điều này có thể suôn sẻ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tôi nuông chiều hành vi bướng bỉnh của nó, khi lớn lên nó có thể sẽ hối tiếc và trách tôi đã không cảnh báo nó trước”, bà Lâm giải thích.
Trưởng đặc khu cũng bác bỏ những chỉ trích nói rằng bà phản bội Hong Kong với dự luật dẫn độ.
“Sao tôi có thể làm vậy? Tôi lớn lên với những người Hong Kong khác. Tình yêu của tôi với nơi này đã khiến tôi phải hy sinh rất nhiều thứ của bản thân”, bà Lâm lý giải.
Bà Lâm nhấn mạnh rằng dự luật là sáng kiến của chính quyền Hong Kong, không phải từ Trung Quốc đại lục. Quan chức này cũng nói rằng dự luật ra đời trùng hợp với thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vì chiến tranh thương mại và việc nó sẽ trở nên phức tạp hơn vì cuộc thương chiến nằm ngoài dự kiến của bà.
Bà từ chối đưa ra bình luận về “thế lực bên ngoài” can thiệp vào việc dự luật được thông qua trong bối cảnh cả Mỹ, Anh và EU đã đều bày tỏ quan ngại.
Dưới sức ép của cuộc biểu tình ngày 12/6, chính quyền Hong Kong đã buộc phải hoãn thảo luận dự luật dẫn độ (Ảnh: Reuters) |
Trong đoạn video được chính quyền Hong Kong đăng tải buổi tối 12/6, bà Lâm đã chỉ trích những người biểu tình, cho rằng họ đã “tổ chức một cuộc bạo loạn” trước trụ sở chính quyền và cơ quan lập pháp vào buổi sáng và “đây không phải là cách thể hiện tình yêu với Hong Kong”.
“Đến buổi chiều nay, một số người đã có nhiều hành vi nguy hiểm thậm chí có nguy cơ gây chết người như châm lửa, dùng thanh sắt nhọn, ném gạch đá vào cảnh sát, cũng như phá hoại trụ sở chính quyền”, bà nói, nhấn mạnh các động thái này gây nguy hại nghiêm trọng cho sự an toàn của thường dân.
Bà Lâm khẳng định bà hiểu rằng sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về dự luật dẫn độ, nhấn mạnh rằng kể từ khi Hong Kong được trả về Trung Quốc năm 1997, các vấn đề liên quan tới quan hệ giữa hòn đảo và đại lục thường “bị một số bên lợi dụng để gây mâu thuẫn”.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí