Bị cáo Trần Đại Thủy tại phiên xét xử sơ thẩm |
Thời điểm vụ án Đường “Nhuệ” ở Thái Bình gây xôn xao dư luận, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cũng triệt phá một đường dây bảo kê, “ăn chặn” phí dịch vụ hỏa táng với cách thức tinh vi, sự lộng hành và trắng trợn tương tự. Đối tượng chủ mưu am hiểu pháp luật nên quá trình điều tra gặp khá nhiều khó khăn.
Thao túng mọi bề
Từng có nhiều năm là Trưởng Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình, tỉnh Nam Định, thuộc Công ty CP Dịch vụ tang lễ Hoàng Long (Công ty Hoàng Long), Trần Đại Thủy (43 tuổi, trú tại 496 đường Giải Phóng, TP Nam Định) nhanh chóng nhận ra đây là dịch vụ mới, dễ thao túng vì liên quan đến yếu tố tâm linh, lại ít đối tượng tham gia cạnh tranh.
Với kinh nghiệm qua quá trình làm việc, tháng 9/2015, Thủy cùng vợ là Phạm Thị Ánh Tuyết (SN 1979) thành lập Công ty TNHH MTV Dịch vụ tang lễ Trường Dương, có địa chỉ tại 496 Giải Phóng, phường Mỹ Xá, TP Nam Định, do bà Tuyết làm Giám đốc.
Tháng 10/2015, Công ty Hoàng Long và Công ty Trường Dương ký hợp đồng với điều khoản để Công ty Trường Dương làm đại diện độc quyền cho Công ty Hoàng Long, tiếp nhận tất cả các ca hỏa táng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Mỗi ca, Công ty Hoàng Long thu của Công ty Trường Dương 4,3 triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Ngô Anh Sáng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định cho biết, việc lập hợp đồng này thể hiện sự ma mãnh của Trần Đại Thủy.
Với hợp đồng này, vợ chồng Thủy cho rằng, chỉ có Công ty Trường Dương mới được làm dịch vụ ở Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình và tất cả các cơ sở làm dịch vụ mai táng trên địa bàn phải trở thành đại lý cho vợ chồng Thủy.
Khi có người mất, các cơ sở làm dịch vụ tang lễ khác không thông qua Công ty Trường Dương mà liên hệ trực tiếp với Công ty Hoàng Long thì vợ chồng Thủy sẽ tìm cách kéo dài thời gian hỏa táng, ảnh hưởng đến giờ hạ huyệt của người chết, khiến cơ sở mai táng đó vỡ hợp đồng với khách hàng.
“Bằng mánh khóe này, dần dần, các cơ sở làm dịch vụ tang lễ tại Nam Định đều phải thông qua vợ chồng Thủy. Cặp vợ chồng này nâng giá một ca hỏa táng lên 5 - 6 triệu đồng, trong khi với giá thu theo mức Công ty Hoàng Long đưa ra là 4,3 triệu đồng thì Công ty Trường Dương cũng đã được hưởng phần trăm.
Không những thế, khi các cơ sở tang lễ khác làm dịch vụ hỏa táng qua vợ chồng Thủy, gia đình người đã khuất còn phải mua quan tài, thuê xe và một số dịch vụ khác theo yêu cầu của Thủy”, Trung tá Sáng cho hay.
Trước sự thao túng và chặt chém quá đáng này, một số người làm dịch vụ mai táng phản ứng, song đều bị Thủy uy hiếp, đe dọa, hành hung.
Để thuận lợi cho công việc bảo kê, ăn chặn này, Thủy đã đồng ý và chỉ đạo cho Bùi Hải Quang (tức Quang “Hà”, 42 tuổi, trú phường Vị Xuyên, TP Nam Định) là em rể Thủy, phối hợp với Trần Xuân Hà (tức Hà “Sắc”, 47 tuổi, trú phường Cửa Bắc, TP Nam Định) và Nguyễn Hữu Quang (tức Quang “con”, 23 tuổi, trú xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đe dọa, o ép các cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ trên địa bàn phải nộp tô và tuân theo sự áp đặt của Thủy.
Các đối tượng này đứng ra phân chia địa bàn hoạt động kinh doanh cho các cơ sở tang lễ và yêu cầu các cơ sở tang lễ thu thêm 500.000 đồng để nộp cho chúng. Cơ sở kinh doanh nào phản đối, các đối tượng cho người ném chất bẩn, hắt sơn vào nhà, đập vỡ đèn hậu xe ô tô, đổ keo vào các ổ khóa cửa và gọi điện chửi bới, đe dọa khiến chủ các cơ sở này lo sợ.
Sử dụng chứng cứ gián tiếp để buộc tội
Sau khi nhận đơn thư trình báo và từ kết quả điều tra ban đầu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định đã bắt 3 đối tượng Quang “Hà”, Hà “Sắc”, Quang “con” do hành vi ném chất bẩn, chửi bới đe dọa các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ.
Tuy nhiên, việc củng cố chứng cứ và bắt giữ Trần Đại Thủy khó khăn hơn, bởi vụ việc Thủy đe dọa, hành hung chị Nguyễn Thị Hoài (chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ tại thôn Đại Lộc, xã Yên Chính, huyện Ý Yên) xảy ra từ tháng 6/2016.
Thời điểm đó, Thủy ép chị Hoài phải báo ca hỏa táng cho Công ty Trường Dương để chiếm đoạt tổng số tiền chênh lệch so mức phí thỏa thuận với Công ty Hoàng Long là 76,6 triệu đồng.
Theo Trung tá Sáng, những bị hại, người làm chứng cũng rất ngại cung cấp thông tin. Chính vì vậy, quá trình làm việc, cơ quan công an thực hiện rất bí mật, bảo đảm nguồn tin nhân chứng, đồng thời chuyển hóa tài liệu trinh sát sang thành chứng cứ.
Một khó khăn cho công tác phá án nữa là quá trình điều tra, đối tượng Thủy kiên quyết không khai báo. “Đối tượng này có quan hệ rộng ngoài xã hội và những người làm tư vấn pháp luật, bản thân đối tượng cũng am hiểu pháp luật. Vì vậy, khi cơ quan công an gọi lên, đối tượng đã có sự chuẩn bị kỹ, áp dụng “nhiều không”, không nói, không nhận…”, Trung tá Sáng cho hay.
Theo Trung tá Sáng, luật hiện hành quy định những bị can, bị cáo, người bị tình nghi phạm tội có quyền nói là mình không phạm tội, nhưng việc chứng minh là của cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, để bắt đối tượng Thuỷ, cơ quan điều tra đã sử dụng chứng cứ gián tiếp để buộc tội.
Cơ quan CSĐT đã thu thập chứng cứ, hỏi các nhân chứng, bị hại, giám định âm thanh, giọng nói của đối tượng Thủy... Sau khi thu thập những chứng cứ gián tiếp như vậy, cơ quan CSĐT đã trao đổi với Viện Kiểm sát cùng cấp, phân tích đánh giá một cách khách quan, đồng thời công nhận những tài liệu trên phù hợp. Từ đó, cơ quan CSĐT ra quyết định bắt giữ Thủy và được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.
“Suốt quá trình điều tra hơn 3 tháng (từ tháng 6 - 9/2020), đến khi cơ quan CSĐT hoàn thiện hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát thì Thủy mới nhận tội”, Trung tá Sáng cho biết thêm.
Ngày 9/12/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan hoạt động bảo kê, “ăn chặn” phí dịch vụ hỏa táng trên địa bàn tỉnh. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Đại Thủy 39 tháng tù giam, phạt tiền 20 triệu đồng; các bị cáo Trần Xuân Hà và Nguyễn Hữu Quang cùng 36 tháng tù giam, phạt tiền 10 triệu đồng; bị cáo Bùi Hải Quang 24 tháng tù giam, phạt tiền 10 triệu đồng. |
Tác giả: Văn Huế
Nguồn tin: Báo Giao thông