Libya đang đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến với các vụ đụng độ liên tục nổ ra ở phía Nam thủ đô Tripoli, giữa lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận tại thủ đô và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu.
Libya đang đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến với các vụ đụng độ liên tục nổ ra ở phía Nam thủ đô Tripoli. Ảnh: New York Times |
Các nhân chứng cho biết, từ trung tâm thành phố, họ có thể nghe thấy tiếng pháo hạng nặng ở vùng ngoại ô. Đây được xem là đợt giao tranh dữ dội nhất kể từ ngày 6/5 - thời điểm bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Hàng loạt các vũ khí hiện đại đang được các bên sử dụng để tạo ra lợi thế trong cuộc chiến giành giật quyền kiểm soát tại Libi.
Điều đáng nói là Libya vẫn nằm trong danh sách cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2011. Hiện có nhiều cáo buộc về việc các thế lực bên ngoài đang tuồn vũ khí cho các bên tại Libya, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh ảnh hưởng tại quốc gia Bắc Phi nhiều dầu mỏ này. Theo các quan chức Liên hợp quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ai Cập cung cấp cho Quân đội Quốc gia Libya các thiết bị quân sự, vì cho rằng đây là một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống các nhóm cực đoan Hồi giáo tại Bắc Phi. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng ủng hộ cho chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya. Với nguy cơ dòng chảy vũ khí tiếp tục được tuồn vào cho các bên tại Libya, làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến ủy nhiệm kéo dài, đẩy Libya vào nguy cơ chia cắt vĩnh viễn.
Các quan chức Liên Hợp Quốc ngày 21/5 hối thúc các nước cần phải chấm dứt đổ dầu vào cuộc xung đột.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Ghassan Salame nhấn mạnh: “Không có gì lo ngại hơn việc vũ khí đang bị đổ vào cho tất cả các bên tại Libya. Rất nhiều nước đang cung cấp vũ khí cho tất cả các bên trong cuộc xung đột mà không có ngoại lệ. Các loại vũ khí tinh vi với số lượng lớn đang gây ra nhiều thương vong lớn hơn. Không có một cơ chế tăng cường, lệnh cấm vũ khí tại Libya sẽ là một trò đùa. Một số quốc gia đang đổ dầu vào cuộc xung đột này và Liên Hợp Quốc nên chấm dứt điều này”.
Việc chờ đợi bất cứ hành động của Liên Hợp Quốc để giải quyết cuộc xung đột tại Libya dường như cũng khó xảy ra, với việc các bên đã bế tắc trong việc đưa ra cách tiếp cận với tình trạng bạo lực mới nhất tại quốc gia Bắc Phi này.
Sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đây đã khiến Anh không thể tiến hành bỏ phiếu về một lệnh ngừng bắn tại Libya. Trong khi đó, sự chia rẽ của châu Âu về Libya, đặc biệt là khác biệt quan điểm trong cách tiếp cận giữa Italy và Pháp, cũng khiến châu Âu đang loay hoay tìm lập trường thống nhất chung cho cuộc khủng hoảng này.
Rõ ràng với những diễn biến tại Libya cho thấy cuộc chiến này đang bị các thế lực bên ngoài chi phối, tạo đòn bẩy cho cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn. Giao tranh tại Tripoli được cho chỉ là “điểm khởi đầu” cho một cuộc chiến đẫm máu tại quốc gia Bắc Phi này. Sự hỗn loạn tại quốc gia nhiều dầu mỏ này cũng đang là một khoảng trống béo bở cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hay các nhóm khủng bố khác có cơ hội chen chân vào.
Tác giả: Phạm Hà
Nguồn tin: Báo VOV