Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu |
Lãnh đạo Thanh Hóa đi xe sang: Không phải xe DN tặng
Sáng 22/5, tại phiên thảo luận tổ về tình hình KT-XH, đề cập đến tình trạng “Chính phủ nóng, dân nóng, bộ ngành địa phương lạnh”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội viện dẫn câu chuyện đang xôn xao việc lãnh đạo ở Thanh Hóa đi xe được tặng giá trị cao quá tiêu chuẩn; rồi việc phân công ông Ngô Văn Tuấn, cựu Phó Chủ tịch tỉnh làm Tổ trưởng giúp việc của Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở sau khi bị kỷ luật cách hết chức vụ.
Trước vấn đề đại biểu Nhưỡng nêu, đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đã thông tin, làm rõ vấn đề này. Theo ông Mai Sỹ Diến, do nhu cầu về nhà ở tại địa phương nên Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở được thành lập, nhưng Ban này sẽ giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải nằm trong hệ thống chính trị.
Cũng theo ông Diến, cá nhân ông Nguyễn Văn Tuấn sau khi bị cách chức vẫn là đảng viên, vẫn là công chức và có đơn xin bố trí công việc. Ông Tuấn là cán bộ thuộc UBND nên khi có Ban chỉ đạo, ông Tuấn được phân công làm Tổ tưởng tổ giúp việc, không phải quản lý.
“Ban này có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh. Việc bố trí ông Tuấn vào Ban không làm tăng thêm biên chế và các vị trí khác trong ban cũng đều kiêm nhiệm”, ông Diến nói, đồng thời nhấn mạnh, việc phân công công việc với ông Ngô Văn Tuấn “hoàn toàn đúng luật và đúng thẩm quyền”.
Còn về thông tin lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sử dụng xe được tặng vượt tiêu chuẩn, ông Mai Sỹ Diến lý giải, những năm 2011-2012, tỉnh Hủa Phăn (Lào) là tỉnh kết nghĩa có tặng tỉnh Thanh Hoá 2 xe ô tô phục vụ cho các hoạt động chung giúp việc liên quan đến hai tỉnh. Xe này không phải của doanh nghiệp tặng hay tỉnh phải bỏ ngân sách ra mua vượt quá tiêu chuẩn.
Cần giải pháp mạnh để quản lý mạng xã hội
Đề cập đến khía cạnh mạng xã hội, đại biểu Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, mạng xã hội gây ra những câu chuyện không lường hết được. Ngoài tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ từ mạng xã hội, theo ông Thuận Hữu, quan trọng hơn là những biểu hiện vi phạm pháp luật, nhưng cũng không ai xử lý.
“Bây giờ cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Trong khi đó, tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng. Nhưng mạng cứ đưa tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý.
Thậm chí từ mạng xã hội lại len lỏi sang báo, nhất là báo điện tử. Giờ có một số báo đi theo xu hướng đó, cả Bộ và Ban Tuyên giáo T.Ư xử lý hàng tuần mà không hết được”, theo ông Thuận Hữu, cần phải có giải pháp để quản lý mạng xã hội, bao gồm cả giải pháp về kỹ thuật và pháp luật, phải được quan tâm, quản lý cho tốt.
Tác giả: Luân Dũng
Nguồn tin: Báo Tiền phong