Giới trẻ

Mê lực phiêu bạt ở đô thị phồn hoa của người trẻ Trung Quốc

Vì lý do sinh tồn và phát triển sự nghiệp, hầu hết sinh viên Trung Quốc đều muốn ở lại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu.

Sau mùa tốt nghiệp, đa phần sinh viên lựa chọn cuộc sống "phiêu dạt" ở các thành phố lớn - Ảnh: Getty

Một người học thạc sĩ cùng Đại học Thượng Hải với tôi từng kể cậu ấy đã tìm được việc làm, thuê được một căn phòng nhỏ ở xa trung tâm Thượng Hải, dù tiền lương hàng tháng cũng chỉ vừa đủ để chi trả tiền thuê nhà và các sinh hoạt phí khác.

Một năm sau, cậu ấy hẹn tôi ăn cơm chia tay, vì phải nghỉ việc ở công ty cũ, không tìm được việc làm mới như ý, cầm cự mấy tháng cũng quyết định rời xa Thượng Hải. "Em muốn ở lại Thượng Hải, nhưng Thượng Hải không dung nạp em", cậu ấy nói vậy trước khi từ biệt tôi, trở về làng quê ở Cam Túc.

Ngay sau khi hoàn thành việc bảo vệ khoá luận tốt nghiệp, các sinh viên Trung Quốc đôn đáo chạy khắp nơi tìm việc, thuê nhà. Họ lựa chọn thành phố để khởi nghiệp dù không có hộ khẩu, không nhà, không xe, thậm chí không mối quan hệ.

Bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, cuộc sống sinh tồn không cho họ lựa chọn nào khác ngoài nỗ lực phấn đấu, hoặc bị đào thải.

Lý tưởng và hiện thực

"Bắc phiêu", "Hộ phiêu" là những từ mới, chỉ những người Trung Quốc không có hộ khẩu ở Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng vẫn lựa chọn sinh sống và làm việc tại hai thành phố này. Một số người bạn của tôi chia sẻ lý do họ lựa chọn ở lại Thượng Hải thay vì về quê là: mức lương cao, có điều kiện phát triển sự nghiệp, được sống tự do theo ý thích.

Có bạn gái còn đưa ra lộ trình rõ ràng: làm việc vài năm tại thành phố lớn để tích lũy kinh nghiệm, đủ tiền rồi trước 28 tuổi sẽ trở về quê sống gần cha mẹ, kết hôn, sinh con…

Những năm tháng tuổi trẻ, họ cần phải sống xa nhà để tự do trải nghiệm cuộc sống ở nơi phồn hoa đô thị.

Thượng Hải nổi tiếng phồn hoa vẫn xếp thứ hai trong sự lựa chọn tìm việc của sinh viên Trung Quốc, sau Bắc Kinh

Vì sao bạn lựa chọn thành phố lớn? Câu trả lời không chỉ nằm ở việc mở rộng tầm mắt, cuộc sống ở thành phố ấy sẽ ảnh hưởng đến bạn, thay đổi bạn. Nhà văn Stephanie Danler từng viết: "Vì sao tôi phải ở NewYork? Bởi vì tham vọng của tôi quá lớn, chỉ có thành phố phồn hoa mới có thể che giấu nó".

Tìm được việc làm ở thành phố lớn cũng có nghĩa không ngừng cố gắng từng ngày. Theo báo cáo thống kê của thành phố Thượng Hải, năm 2017 số lượng người ngoại tỉnh đăng ký nhập tịch là 4,55 triệu lượt người, mức thu nhập bình quân của họ là 5.095 nhân dân tệ.

Nhìn chung, mức lương sinh viên được nhận ở Thượng Hải hay Bắc Kinh cao hơn nhiều so với ở khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ khác. Trong xã hội có sự phân cấp về mức lương theo trình độ học vấn, sinh viên ra trường có mức lương từ 4.000 - 5.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 14 - 18 triệu đồng), trình độ thạc sĩ mức lương từ 6.000 - 10.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 21,6 - 36 triệu đồng), trình độ tiến sĩ là từ 10.000 nhân dân tệ trở lên (khoảng 36 triệu đồng).

Mặt bằng chung là vậy, thực tế mức lương còn gắn với ngành nghề, vị trí việc làm cụ thể. Mức lương cao tương đương với áp lực công việc họ phải gánh chịu.

Biến mình thành người xuất sắc

Nhiều người lựa chọn mưu sinh ở những thành phố lớn, thiếu vắng tình thân. Nếu như không ở nhóm trình độ học vấn cao, không có thành tích học tập xuất sắc, hay ở nhóm "hải quy" (nhóm trí thức từng học tập, làm việc ở nước ngoài trở về), sinh viên ra trường sẽ phải bắt đầu vươn lên từ những vị trí nhỏ bé trong công ty.

Thanh niên xuất thân từ nông thôn càng phải mất nhiều thời gian để bước ra khỏi sự tự ti mặc cảm. Họ phải chịu đựng thách thức, tối tăng ca, sáng sớm lại xếp hàng chen chúc trên những chuyến tàu điện ngầm chật cứng, sống trong những căn phòng nhỏ bé, nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ với thành phố.

Cô độc trong mùa đông giá rét là dư vị của cuộc sống xa nhà

Tại Trung Quốc, người lao động muốn định cư và sinh sống lâu dài nhất thiết phải có hộ tịch, bằng không sẽ gặp khó khăn trong các vấn đề an sinh xã hội.

Chính sách thu hút nhân tài của các thành phố lớn là điều kiện thuận lợi để sinh viên ra trường có thể đăng ký hộ tịch. Chính sách này đưa ra thang điểm chuẩn căn cứ trên các tiêu chí như: trình độ học vấn, bảng điểm học tập, giải thưởng trong nước và quốc tế, trình độ ngoại ngữ, tốt nghiệp tại trường đại học trong danh sách top 100 trường xuất sắc của Trung Quốc… để tính điểm xét sinh viên có đủ điều kiện để nhập hộ tịch hay không.

Cơ hội luôn dành cho những người xuất sắc. Để chứng tỏ bản lĩnh, họ chỉ còn cách khiến mình trở nên xuất sắc ngay từ trên ghế trường đại học. Biểu hiện không tốt, bạn bị đào thải - cuộc sống vốn dĩ khắc nghiệt như vậy.

"Tuổi trẻ cần phải có dũng khí phiêu bạt để lập nghiệp" - đó là châm ngôn của giới trẻ Trung Quốc

Phiêu bạt ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu hay Thâm Quyến, các sinh viên chấp nhận cuộc sống cạnh tranh khốc liệt, nhưng họ lại có điều kiện khẳng định bản thân, cảm thấy cuộc sống riêng của họ được tôn trọng.

Trong cuộc sống của họ, những khái niệm bình yên, ấm áp, hạnh phúc đều được thay thế bằng các từ cạnh tranh, nỗ lực, cô đơn…

Trong cuộc sống của họ, đừng nói đến tình yêu với các soái ca như trong phim ngôn tình. Thực tế ngay từ việc đi thuê nhà, chuyển đồ…, sẽ chẳng ai giúp đỡ ngoài việc bạn phải tự vượt qua tất cả. Tối đến, may chăng những người bạn đại học vẫn ở trên wechat gửi cho nhau vài tin nhắn chia sẻ, động viên.

Mê lực lớn nhất của cuộc sống phiêu bạt chính là tìm môi trường để khẳng định bản thân, bởi "khi còn trẻ, bạn nhất định phải sống ở thành phố lớn, nếu không bạn sẽ ân hận đến cuối đời".

Tác giả: HIỀN THƯƠNG

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP