Giáo dục

Mọi ý tưởng khởi nghiệp của học sinh đều đáng được trân trọng, đồng hành

Vào đại học hay đi làm, làm sao để du học thành công, học sinh khởi nghiệp được hỗ trợ gì... là những vấn đề được quan tâm tại "Hành trình khởi nghiệp".

Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”. Ảnh: Hồ Lài

Chiều 12/4, tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”.

Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An và ông Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Tham dự chương trình có các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật và các trường THPT khác trên địa bàn thành phố Vinh.

Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, địa phương nói riêng và cả nước nói chung, lĩnh vực nông nghiệp đang cần lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có uy tín, chất lượng đào tạo đã được khẳng định. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT mong muốn thông qua hội thảo sẽ đem đến cho giáo viên, học sinh nhiều kiến thức bổ ích về khởi nghiệp.

Học sinh tham gia hội thảo và tham khảo ý kiến tư vấn từ chuyên gia. Ảnh: Hồ Lài

Trong tương lai, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị phía Học viện tăng cường tư vấn, định hướng về các nội dung khởi nghiệp, kết nối với các doanh nghiệp để các mô hình khởi nghiệp của học sinh được hỗ trợ, phát huy hiệu quả.

Đồng thời tổ chức bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn này để các thầy cô hướng dẫn, đồng hành với ý tưởng khởi nghiệp của học sinh.

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, đại diện doanh nghiệp trả lời câu hỏi của học sinh. Ảnh: Hồ Lài

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề nghị các trường THPT tận dụng cơ hội, tăng cường kết nối, và hợp tác với Học viện trong định hướng nghề nghiệp và khởi nghiệp cho học sinh. Có cơ chế động viên, khích lệ, khen thưởng các em đạt thành tích trong các mô hình khởi nghiệp.

Về phía học sinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhắn nhủ: " Mọi ý tưởng sáng tạo đều đáng trân trọng, không nhất thiết phải là vấn đề lớn lao, mà từ kiến thức được học, thực tiễn cuộc sống để trăn trở, sáng tạo ra mô hình đem lại hiệu quả. Vì vậy, học sinh bằng đam mê, sáng tạo của mình tìm tòi mô hình khởi nghiệp có giá trị, chủ động thực hiện và tìm kiếm sự hỗ trợ để phát huy năng lực bản thân".

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã trình bày bài tham luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức, giá trị tham khảo cao. Bên cạnh đó, học sinh cũng thảo luận những vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, xu hướng chọn trường đại học, nhu cầu nguồn nhân lực, việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, vấn đề du học…

Nhiều câu hỏi liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp, du học, hỗ trợ khởi nghiệp được đặt ra tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài

Ông Nguyễn Công Tiệp - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, các chuyên gia, thầy cô giáo và ý kiến của học sinh tại hội thảo. Những năm qua, Học viện đã nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ các em học sinh THPT. Lãnh đạo Học viện khẳng định nếu các em có dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, trở thành sinh viên của Học viện thì sẽ được tạo điều kiện tiếp tục phát triển ở cấp độ cao hơn, có tính khả thi và ứng dụng vào cuộc sống.

Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Theo đề án này, học sinh, sinh viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX… được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP