Du lịch

Món bánh lạ miệng mỗi lần ăn là phải ‘đập’, trót thử 1 lần là muốn ăn hoài

Bánh đập là món ăn vặt lạ miệng bắt nguồn từ các tỉnh ven biển miền Trung.

Nếu TP.HCM ghi dấu ấn với bánh tráng trộn là quà vặt của biết bao thế hệ học sinh, Đà Lạt có bánh tráng nướng nức tiếng thu hút du khách gần xa, thì đi dọc các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, tuổi thơ của nhiều người là những gánh hàng rong mang theo món bánh tráng đập dập dân dã.

Bánh tráng đập dập là món ăn vặt độc đáo ở các tỉnh ven biển miền Trung. (Ảnh: foodtrackmind)

Còn được biết đến với tên gọi ngắn gọn hơn - bánh đập, món ăn đường phố này tuy đơn giản, bình dân nhưng đến nay vẫn khiến những người con xa quê thấy thèm mỗi khi nhắc đến, còn du khách thì lại háo hức muốn được thưởng thức một lần.

Món ăn với thành phần chính là bánh tráng nướng và bánh ướt. (Ảnh: vietnamesegod)

Bánh đập được làm từ hai nguyên liệu vô cùng phổ biến và đậm chất Việt Nam, đó là bánh tráng và bánh ướt. Sự kết hợp của hai thành phần đối lập nhau, giữa cái giòn tan của bánh tráng nướng và ẩm mềm của bánh ướt, đã tạo nên một món ăn chơi lạ miệng, độc đáo của riêng vùng ven biển miền Trung.

Lớp bánh ướt ẩm mềm được kẹp giữa vỏ bánh tráng rắn giòn. (Ảnh: vietnamesegod)

Món ăn đơn giản với lớp vỏ là bánh tráng nướng mới ra lò còn giữ nguyên được sự giòn rụm. Phần nhân là bánh ướt được tráng tinh tế từ bột gạo pha theo tỷ lệ chuẩn để cho ra được lớp bánh mỏng, dai, không bị nát hay quá cứng.

Lớp bánh ướt được trải lên mặt bánh tráng, phết thêm ít mỡ hành và gấp lại thành hình bán nguyệt, thế là có ngay một phần bánh đập ngon lành.

Tùy theo nơi bán mà phần nhân bên trong có thể thêm thắt nhiều nguyên liệu khác như thịt bằm, ruốc,... (Ảnh: diembezn)

Tùy theo mỗi địa phương, nơi bán mà phần nhân bên trong sẽ có nhiều biến tấu khác như thêm thịt heo băm, ruốc, hến xào…, một số nơi còn tráng bánh với trứng để tạo thêm hương vị mới lạ.

Sẽ là rất thiếu sót nếu như thưởng thức bánh đập mà thiếu đi chén mắm nêm. Bánh đập có thể có nhiều phiên bản khác nhau, tùy theo khẩu vị, nhưng nhiều người đều đồng tình rằng phần nước chấm sẽ là tuyệt vời nhất nếu kết hợp cùng mắm nêm.

Mắm nêm là lựa chọn hoàn hảo để thưởng thức với bánh đập. (Ảnh: tracyle102)

Mắm nêm được pha chế tỉ mỉ với dứa băm, hành phi, thêm chút đường và đặc biệt không thể thiếu cái sự cay nồng của ớt, chén nước chấm có đủ chua cay mặn ngọt ấy đóng vai trò không nhỏ để tạo nên món bánh đập ngon miệng.

Bánh đập đơn giản nhưng mang theo hương vị lạ miệng và lôi cuốn vô cùng. (Ảnh: fooduky)

Phần thú vị nhất chính là cách thưởng thức bánh đập. Như chính cái tên đã nói lên phần nào về món bánh này, khi ăn, thực khách thường phải đập dập lớp bánh để phần vỏ và nhân được dính chặt vào nhau, giúp trải nghiệm khi ăn đạt được sự ngon miệng nhất.

Vì là bánh đập nên khi ăn, thực khách không thể bỏ qua phần "đập" bánh. (Ảnh: caoduongtamlinh)

Cũng chẳng cần sử dụng đũa muỗng, cứ lấy tay gắp từng miếng bánh chấm ngậm vào chén mắm nêm sóng sánh, từ từ đưa lên miệng và cảm nhận lớp vỏ bánh tráng giòn rụm tan ra trong miệng, cái dẻo dai của bánh ướt hòa với nhân thịt, ruốc mặn mà và ngấm cái đậm đà của mắm nêm.

Bánh đập dân dã đã chinh phục được cả người dân bản địa lẫn du khách bốn phương. (Ảnh: vietnamesegod)

Một lần ăn thử bánh đập, thực khách chắc chắn sẽ muốn có thêm lần 2, lần 3, và nhiều lần khác nữa. Món ăn chơi bình dị, đơn giản ấy đã vượt khỏi phạm vi khu vực miền Trung, chinh phục nhiều tâm hồn yêu ẩm thực đến từ khắp nơi trên đất Việt.

Tác giả: CERSEI(Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP