Tin trong tỉnh

Nghệ An: Bất cập, vướng mắc sau sáp nhập xóm tại huyện Diễn Châu

Sau khi thực hiện chủ trương sát nhập theo quy định, xã Diễn An, (Diễn Châu) sẽ giảm được 50% số xóm, thôn hiện có. Tuy nhiên, đang có một số vấn đề nảy sinh, bất cập sau sáp nhập cần được giải quyết.

Thời gian gần đây, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tục nhận được đơn của 20 hộ dân tại xóm 2 cũ, xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An) phản ánh việc UBND xã thực hiện công tác sáp nhập thôn, xóm chồng chéo, bất cập làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tập quán, sinh hoạt, sản xuất và đời sống của nhân dân bị đảo lộn.

Tiếp nhận đơn, nhóm Pv đã về tận các hộ dân ở xóm 2 cũ, xã Diễn An để tìm hiểu thì được bà Đoàn Thị Tịnh cùng với nhân dân nơi đây trình bày sự việc: “Sau khi cán bộ xã, xóm triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH T.W Đảng lần thứ 6, Khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” toàn dân chúng tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước”.

Đơn kiến nghị của các hộ dân gửi tới các ban ngành huyện Diễn Châu về những bất cập sau khi sáp nhập.

Trên cơ sở dân chủ cũng như văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện Diễn Châu đã nêu rõ, trong quá trình thực hiện việc sáp nhập thôn, xóm cần xem xét đến các yếu tố đặc thù về địa lý, địa hình, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương để sáp nhập một cách phù hợp, khách quan và đặc biệt đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân không bị đảo lộn, phải được trên 50% dân số cử tri đại diện hộ của từng thôn, xóm, tán thành mới lập phương án sáp nhập.

Trong quá trình thực hiện chi bộ, chi ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp, đặc biệt là 3 cuộc họp xóm toàn thể Đảng viên, nhân dân xóm 2 cũ đã thống nhất giữ nguyên không tách rời các hộ liền kề sang xóm khác mà chỉ sáp nhập xóm 1 và xóm 2 cũ thành xóm 1 mới để tiện cho việc sinh hoạt như hiếu, hỷ, sản xuất, kinh doanh, an ninh trật tự và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong thôn, xóm theo truyền thống từ xưa đến nay.

“Tuy nhiên, sau kỳ họp lấy ý kiến cử tri, nhân dân đã đồng nhất cao và có biên bản gửi lên cấp trên nhưng bất ngờ ngày 22/10/2019, UBND xã thông báo danh sách các hộ phải chuyển sang xóm khác trên địa bàn xã trong đó có 20 hộ dân. Nhận được thông báo chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên Đảng ủy, HĐND-UBND xã phản đối về việc vì sao UBND xã lại tự áp đặt, tự lập danh sách, trong khi các cuộc họp chi bộ, xóm đều thống nhất 100% là không tách rời các hộ liền kề sang xóm khác xã không có ý kiến phản hồi. Như vậy, Ban chỉ đạo công tác sáp nhập của xã Diễn An đã bỏ qua các công văn, hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là coi thường dân, không thực hiện ý kiến dân chủ ở cơ sở xóm đã làm cho các hộ dân nơi đây gần một năm qua bỏ bê công việc đi tìm chân lý, công bằng, dân chủ khắp nơi mà vẫn chưa tìm được”, bà Tịnh bức xúc nói?!

Trao đổi với ông Trương Văn Thắng, xóm trưởng xóm 1 mới về những khó khăn, bất cập đối với 20 hộ dân đã phản ánh trên, ông Thắng cho biết: “Để thực hiện công tác sáp nhập thôn, xóm được hợp ý Đảng lòng dân trên cơ sở đặc biệt quan tâm đến các yếu tố địa bàn, địa lý, truyền thống, phong tục, tập quán, tôn giáo, dân tộc cũng như quy mô dân số theo quy định để tính toán phương án sáp nhập một cách hợp lý nhất. Sau khi tổ chức họp chi ủy, chi bộ rồi đến họp xóm toàn thể nhân dân đã đồng tình nhất trí 100% là giữ nguyên dân số xóm 2 cũ không tách rời các hộ liền kề. Nhưng không hiểu sao UBND xã lại tự ý tách rời các hộ này sang xóm khác, đây là một thiệt thòi, bất cật cho các hộ vì, gia đình họ lại đang ở xen canh tại xóm này, đặc biệt là toàn bộ diện tích đất sản xuất lại đang ở đây mà lại chuyển hộ khẩu họ sang bên kia thì rất khó khăn cho công tác sản xuất”.

20 hộ dân thuộc xóm 1 cũ bức xúc trước việc sáp nhập xóm không đúng như phương án lúc đầu.

“Ở xóm 1 chúng tôi có nhiều đặc thù khác với xóm 2 mới là đất sản xuất có thể trồng hoa màu để nâng cao sản lượng, còn bên xóm 2 thì trồng lúa 100%, khó khăn nhất cho chúng tôi là khi triển khai kế hoạch mùa vụ, các hộ này không được đi họp xóm, không nắm bắt được chủ trương nên hết sức bất cập, ví dụ như vừa rồi có dự án kéo điện ra đồng màu nhưng các hộ này chưa thống nhất lại phải dừng lại, chưa nói đến nếu 20 hộ này có người thân mất thì việc tổ chức hiếu hỷ là sẽ chồng chéo vì nhà thì ở xóm 1 mà hộ khẩu thì ở xóm 2 cách nha cây số thì liệu như thế nào đây? Vậy quan điểm của tôi là nên giữ nguyên không tách rời các hộ này như các cuộc họp xóm đã thống nhất”, ông Thắng nói thêm.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Hoàng Công Trường, Chủ tịch UBND xã về một số vấn đề người dân phản ánh thì được ông Trường cho biết: “Việc sát nhập thôn, xóm là chủ trường của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng đã triển khai các cuộc họp từ xóm đến xã theo quy trình, đều được công khai và tôn trọng quyền dân chủ tại cơ sở xóm, còn việc 20 hộ dân ở xóm 2 cũ đang có ý kiến chúng tôi sẽ xem xét và sẽ có văn bản đề nghị cấp trên giải quyết”.

Trong những ngày này, trên địa bàn cả nước đã và đang tiến hành quy trình xin ý kiến nhân dân về sáp nhập xóm. Lấy ý kiến nhân dân để tổ chức sáp nhập làm sao cho hiệu quả nhất; Đây là yếu tố hết sức quan trọng, bảo đảm tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn để ý Đảng hợp với lòng dân; để sau sáp nhập, nhân dân đồng thuận, phấn khởi, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.Việc xin ý kiến người dân tập trung dân chủ vào phương án sáp nhập như dự thảo đề án là hết sức cần thiết và thiết thực, đoàn công tác chỉ đạo sáp nhập cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải thích thấu lý đạt tình, và tiếp thu có chọn lọc để hoàn thiện đề án.

Qua ý kiến phản ảnh của nhân dân, từ những nguyện vọng chính đáng nhằm ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp như đã nêu trên, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xem xét, giải quyết.

Tác giả: Văn Phú

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP